Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị: DN bất động sản đang khó khăn, cần cho phép mọi DN được gia hạn việc nộp tiền sử dụng đất mà không đòi hỏi đủ ba điều kiện ngặt nghèo.

“Chúng tôi sợ thủ tục hành chính còn hơn sợ lãi suất cao”, tại hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) phát triển nhà ở tại TP.HCM (Sở Xây dựng tổ chức ngày 25-9), đại diện Công ty Bất động sản (BĐS) Hoàng Quân cho hay các DN BĐS thường ví von như trên.

Nộp thì kẹt, nợ không xong

Theo tổng kết của Sở Xây dựng, chỉ có 195/1.166 dự án nhà ở trên địa bàn TP được hoàn thành. Gần 70% số dự án đang triển khai và 122 dự án chưa triển khai. Báo cáo trên được tổng kết sau đợt rà soát các dự án nhà ở tại các quận, huyện do sở này phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) thực hiện.

Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra: Tiền sử dụng đất áp dụng theo NĐ 69/2009 phải nộp theo giá thị trường được Sở Xây dựng đánh giá là “rất cao, DN gần như phải mua đất hai lần”. Một nghịch lý nữa là nếu đã “lỡ” được thông báo số tiền phải nộp mà DN muốn xin gia hạn nộp tiền sử dụng đất thì gần như nan giải. “Muốn được gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất, ngoài việc phải có phương án nộp tiền được chấp thuận, DN phải thỏa mãn thêm ba điều kiện: lỗ trong năm 2011 hoặc lỗ lũy kế đến năm 2011, có nợ xấu ngân hàng, nợ thuế. Tuy nhiên, những điều kiện này mâu thuẫn cho DN vì thực tế hầu hết đều phải vay ngân hàng nên trong báo cáo thuế không có DN nào lỗ, vì lỗ thì sẽ không được vay. Do đó, DN không hội đủ điều kiện để được gia hạn” - Sở Xây dựng phân tích.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ đỡ khó khăn khi được gia hạn việc nộp tiền sử dụng đất mà không đòi hỏi phải có đủ ba điều kiện. Ảnh: HTD

Sở Xây dựng kiến nghị: Trong tình hình khó khăn hiện nay, cần cho phép mọi DN đều được gia hạn việc nộp tiền sử dụng đất mà không đòi hỏi phải có đủ ba điều kiện trên. Số tiền sử dụng đất phải nộp dựa vào khung giá đất - khung giá này tiệm cận với giá thị trường (trong khi hiện nay DN phải đi thẩm định giá). “Tỉ lệ điều tiết tiền sử dụng đất (số tiền phải đóng tính trên tổng số tiền sử dụng đất được xác định theo khung giá đất - PV) chỉ nên cố định từ 10% đến 20% (thay vì 100% như hiện nay - PV)” - Sở đề xuất. Đề xuất này cũng là kiến nghị của rất nhiều DN BĐS trong những hội nghị, hội thảo trước đây.

Cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ

Sở Xây dựng cho hay tiêu chuẩn xây dựng về phân loại diện tích các căn hộ dẫn đến việc phải có một tỉ lệ căn hộ diện tích lớn trong dự án nhà ở. Điều này đã gây khó khăn cho các DN. Trong khi đó, những căn hộ diện tích trung bình và nhỏ thì mới phù hợp nhu cầu, khả năng thanh toán của người mua. Căn hộ diện tích lớn trên 100 m2 rất khó bán do giá thành cao. Sở kiến nghị: Không áp dụng căn cứ “một căn hộ tương đương bốn người ở” để khống chế về số lượng căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở. Đồng thời, cần cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ 80-100 m2 xuống khoảng 45-55 m2 để giá bán giảm, dễ bán, phù hợp nhu cầu thực. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị thêm: “Với chung cư bình dân thì 75% căn hộ diện tích trung bình, 25% căn hộ diện tích nhỏ, không bị buộc phải có căn hộ diện tích lớn”.

Phó Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Thanh Toàn đồng tình ý kiến diện tích căn hộ là do thị trường lựa chọn và quyết định, quyền này thuộc về chủ đầu tư và khách hàng. “Thị trường cần những căn hộ diện tích nhỏ 40-50 m2 vì phù hợp với đại đa số người thu nhập thấp” - ông nói. Ông Toàn đặt vấn đề nên có cơ chế phối hợp giữa Sở Xây dựng và Sở QHKT để minh bạch, công khai với các DN khi duyệt dự án nhà ở vì trong nhiều trường hợp, quan điểm của hai cơ quan này khác nhau.

Điều mà đại diện các công ty BĐS tham dự hội nghị băn khoăn là việc giải quyết các thủ tục hành chính và tầng nấc giải quyết kiến nghị, gỡ vướng quá lâu. “Lãi suất thì cao nhưng dù sao cũng chỉ có một năm, còn thủ tục kéo dài tới vài năm, hoặc kiến nghị rất lâu mà không thấy gỡ” - đại diện Công ty Hoàng Quân phát biểu. “Có những việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của các sở, ngành mà không cần kiến nghị - chẳng hạn liên quan việc chuyển đổi công năng của dự án, thì mong các cơ quan giải quyết nhanh giùm!”.

Sắp có căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn

TP.HCM sắp xuất hiện mô hình kinh doanh căn hộ chung cư được sở hữu có thời hạn. Đây là dự án tại quận Tân Bình do Công ty Kinh Đô làm chủ đầu tư, đang khởi công xây dựng. Chủ đầu tư này thuê đất của một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và dự định bán căn hộ với thời hạn sở hữu theo thời hạn thuê đất. Mô hình này trên thế giới rất phổ biến nhưng mới mẻ tại Việt Nam. Nhà sở hữu có thời hạn thì giá thành chắc chắn sẽ thấp hơn sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, cần bổ sung hành lang pháp lý cho loại hình này như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có thời hạn, quy định về việc thế chấp, phát mãi tài sản.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Chỉ số giá nhà so với thu nhập của người dân Việt Nam nằm ở mức rất cao, tới 24,4-26,6 lần. Chỉ số này cao hơn nhiều lần so với các nước khu vực Nam Á là 6,25; Đông Á là 4,14; châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25.

(Theo cáo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM)

Theo Cẩm Tú (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.