08/04/2025 7:45 PM
Singapore sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với các mức thuế quan mới sâu rộng của Mỹ – những chính sách có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến việc làm, tiền lương. Thủ tướng Lawrence Wong đã thông báo như vậy vào thứ Ba (8/4).

Singapore thành lập lực lượng đặc nhiệm ứng phó "bão thuế quan" từ Mỹ, lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu- Ảnh 1.

Thủ tướng Lawrence Wong phát biểu trước Quốc hội về tác động của thuế quan Hoa Kỳ ngày 8/4/2025.

Lực lượng đặc nhiệm này, do Phó Thủ tướng Gan Kim Yong đứng đầu, sẽ bao gồm đại diện từ các cơ quan kinh tế của Singapore, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, Liên đoàn Chủ sử dụng lao động Singapore và Công đoàn Quốc gia Singapore (NTUC).

Phát biểu trước Quốc hội trong bản tuyên bố bộ trưởng, ông Wong mô tả tình hình toàn cầu hiện nay là “bất định” và cho biết lực lượng này sẽ giúp các doanh nghiệp và người lao động đối mặt với những bất ổn trước mắt, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với bối cảnh kinh tế mới.

Thuế quan dự kiến sẽ làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài đối với các ngành kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore như sản xuất và thương mại sỉ. Sự bất ổn và tâm lý tiêu cực cũng sẽ tác động đến một số ngành dịch vụ như tài chính và bảo hiểm.

Thủ tướng cho biết, dù Singapore "có thể hoặc không" rơi vào suy thoái năm nay, nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu tác động đáng kể. Bộ Thương mại và Công nghiệp đang xem xét lại dự báo tăng trưởng năm 2025 (hiện ở mức 1-3%), nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm.

“Tăng trưởng chậm hơn sẽ đồng nghĩa với ít cơ hội việc làm hơn và mức tăng lương thấp hơn cho người lao động. Nếu nhiều công ty gặp khó khăn hoặc chuyển hoạt động trở lại Mỹ, tình trạng sa thải và mất việc làm sẽ tăng cao”, ông nói.

Các mức thuế, do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4, áp dụng mức thuế phổ thông 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, với mức cao hơn dành cho các quốc gia bị cho là “đối xử không công bằng” với Mỹ.

Singapore – hiện không áp thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ – vẫn bị áp mức thuế cơ bản 10%.

“Nếu thuế thực sự là ‘tương hỗ’ và nhằm vào những quốc gia có thặng dư thương mại, thì mức thuế với Singapore đáng ra phải là 0%. Nhưng chúng tôi vẫn bị áp mức 10%”, ông Wong nói, chỉ ra rằng Singapore đang thâm hụt thương mại với Mỹ và duy trì chính sách thương mại mở qua hiệp định tự do song phương.

“Chúng tôi rất thất vọng trước động thái của Mỹ, đặc biệt khi xét đến tình hữu nghị sâu sắc và lâu dài giữa hai nước. Đây không phải là cách đối xử với một người bạn”.

Nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn diện

Ông Wong cảnh báo rằng nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang gia tăng. Trong khi Singapore sẽ không đáp trả bằng thuế quan, các nước khác có thể sẽ làm vậy – Trung Quốc đã công bố biện pháp đối phó, còn Liên minh châu Âu đang đánh giá phản ứng của mình.

Ông nói hiện còn “một khoảng thời gian ngắn” để các nước đàm phán với Mỹ trước khi mức thuế cao hơn có hiệu lực vào ngày 9/4.

“Khi hàng rào thương mại được dựng lên, rất khó để gỡ bỏ, kể cả khi lý do ban đầu không còn phù hợp. Dù sau này có đạt được những nhượng bộ một phần, sự bất định từ động thái quyết liệt như vậy cũng đã làm suy giảm niềm tin và tăng trưởng toàn cầu”.

Mức thuế cơ bản 10% dường như cũng không thể đàm phán lại.

Ông Wong cũng cảnh báo rằng các quốc gia khác – kể cả ở châu Âu – có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự để bảo vệ các ngành công nghiệp trọng yếu, và do đó, mức thuế mới của Mỹ “có thể chỉ là khởi đầu của làn sóng tăng thuế toàn cầu”.

Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng

Thuế quan đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư toàn cầu.

Các cơ quan kinh tế Singapore đã làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay sau khi có thông báo từ Mỹ.

“Ngay cả những công ty không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan cũng lo ngại về nhu cầu giảm từ phía khách hàng. Một số công ty đã hoãn lại các dự án mới để đánh giá toàn diện tác động”, ông nói.

“Các doanh nghiệp lo sợ rằng nếu luật chơi cứ thay đổi như vậy, họ sẽ rơi vào thế bị động với các khoản đầu tư bị mắc kẹt.”

Ngoài kinh tế, ông Wong coi làn sóng bảo hộ mới này là mối đe dọa đến trật tự toàn cầu và các thể chế quốc tế, với nhiều quốc gia ngày càng quay lưng lại với tư duy “cùng thắng”, thay vào đó là tư duy “mình trước, kẻ khác thua”.

Một mối lo lớn là sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung.

“Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ‘chiến đấu đến cùng’ và Tổng thống Trump thì dọa sẽ tăng thuế hơn nữa với Trung Quốc. Hiện có ít kênh đối thoại hơn, trong khi các kênh này đóng vai trò như hàng rào bảo vệ để quản lý mối quan hệ”, ông Wong nói.

(Theo CNA)

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.