Do thời gian dài, lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn vay bằng VND nên đã có hiện tượng khách hàng trục lợi “ăn chênh” lãi suất. Từ ngày 31/3, các ngân hàng sẽ dừng cho vay bằng ngoại tệ đối với nhóm khách hàng có rủi ro trục lợi vốn ngoại tệ.
Siết vay ngoại tệ, chặn “ăn chênh” lãi suất
Do thời gian dài, lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn vay bằng VND nên đã có hiện tượng khách hàng trục lợi “ăn chênh” lãi suất. Từ ngày 31/3, các ngân hàng sẽ dừng cho vay bằng ngoại tệ đối với nhóm khách hàng có rủi ro trục lợi vốn ngoại tệ.
Trước đó, ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái quyết liệt hơn trong kế hoạch chống “đô la hoá” là hạ lãi suất huy động USD về 0%, áp dụng đối với cả tổ chức, cá nhân.
Sự chênh lệch lãi suất huy động vốn giữa VND và USD càng nới rộng thêm gấp 4-7 lần (tương ứng lãi suất tiền gửi từ 4-7%/năm), giúp tăng sức hấp dẫn cho tiền đồng.
NHNN cũng nhấn mạnh định hướng chuyển từ quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ, chấm dứt việc ngân hàng cho vay ngoại tệ…
“Buôn” ngoại tệ ngược
Tuy vậy, hoạt động chống “đô la hoá” vẫn là cuộc chiến trường kỳ, gian nan bởi những giao dịch ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng và thị trường “chợ đen” vẫn còn đâu đó góc khuất chưa thể ngăn chặn được.
Theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN, kể từ ngày 31/3/2016, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, mà chuyển sang mua – bán ngoại tệ thuần túy. Việc mua bán này hiện được thực hiện theo diễn biến điều hành tỷ giá trung tâm (công bố hàng ngày) của NHNN.
Giải thích về quyết định này, ông Bùi Quốc Dũng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết ngân hàng vẫn cho vay ngoại tệ đối với những khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng. Trong đó, có hai nhóm không bị giới hạn thời gian vay ngoại tệ, gồm: nhóm vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi đảm bảo có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Nhóm thứ hai là vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia… Nhóm thứ ba là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cần vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài…
Còn nhóm thứ tư – đối tượng bị hạn chế là vay ngoại tệ để phục vụ phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Thời hạn cho vay nhóm này là đến ngày 31/3/2016, tức đã gian hạn thêm 3 tháng so với quy định tại Thông tư 43 trước đó.
Theo ông Dũng, nhóm khách hàng thứ tư có mục đích vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, nhằm hưởng lãi suất thấp, chứ không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ. Lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, do giai đoạn trước, kinh tế tăng trưởng thấp nên để hỗ trợ DN, NHNN đã cho phép nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ, hưởng lãi suất thấp hơn tiền đồng, sau đó bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để lấy tiền đồng phục vụ nhu cầu vốn.
Nói cách khác, quy định này đã tạo “kẽ hở” cho khách hàng “buôn” ngoại tệ ngược cho ngân hàng để “ăn chênh” lãi suất một cách hợp pháp. Đến nay, theo thống kê của NHNN, nhóm đối tượng này hiện còn ít và việc dừng cho vay không gây ảnh hưởng đáng kể.
Cần thiết phải dừng cho vay đối với nhóm khách hàng không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ, trục lợi lãi suất chênh lệch ngoại tệ.
“Nóng” thị trường ngoại tệ
Diễn biến thị trường ngoại tệ liên tục “nóng” trong nửa cuối năm 2015 và đầu năm 2016 do hàng loạt yếu tố tác động như: FED tăng lãi suất đồng USD, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ +/-3%, đồng thời hạ lãi suất huy động USD về 0%…
Những chính sách điều hành của NHNN cho thấy nỗ lực kiểm soát thị trường ngoại hối đi đúng quỹ đạo, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, gây lũng đoạn thị trường lâu nay.
Thực tế, năm 2015, tín dụng của hệ thống ngân hàng bất ngờ hồi phục, tăng trung bình hơn 17% so với năm 2014. Ở một số nhà băng, mức tăng trưởng tín dụng cao đột biến, lên tới 30-49%. Trong đó, tín dụng ngoại tệ có đóng góp cho tăng trưởng chung.
Vấn đề là cơ quan quản lý và ngân hàng kiểm soát rủi ro cho vay ngoại tệ như thế nào, như: kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nguồn thu thoại tệ trả nợ, kiểm soát rủi ro nợ xấu…
Một điểm nữa là từ nửa cuối năm 2015 đến nay, các ngân hàng vẫn tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ, trong đó, tiền gửi bằng USD chiếm tỷ trọng khá lớn. Các ngân hàng đang hưởng lợi huy động vốn USD với lãi suất 0%/năm, nhưng lãi suất cho vay ra từ 4-7%/năm (tuỳ từng khoản vay, thời điểm, chính sách lãi suất của mỗi ngân hàng), tức chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra đang cao gấp 4-7 lần lãi suất cho vay bằng VND, tạo ra thu nhập phí đáng kể cho ngân hàng.
Các ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn, như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, Techcombank… cũng đã hưởng lợi lãi suất ngoại tệ không hề nhỏ.
Đơn cử: Theo báo cáo quý IV/2015, đến cuối kỳ, Vietcombank có lượng tiền gửi bằng ngoại tệ từ các TCTD khác lên tới 56.480 tỷ đồng (sau quy đổi), giảm 17.655 tỷ đồng so với năm 2014. Trong khi đó, dư nợ cho vay ngoại tệ các TCTD khác hơn 2.235 tỷ đồng, chỉ bằng 25% năm trước.
Lượng tiền gửi từ khách hàng bằng vàng, ngoại tệ của Vietcombank tăng tới 15,8%, đạt 109.642 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Tiền gửi vàng và ngoại tệ chiếm 21,9% tổng tiền huy động từ dân cư.
NHNN cho rằng cần thiết phải dừng cho vay đối với nhóm khách hàng không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ, trục lợi lãi suất chênh lệch ngoại tệ trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Vậy khi các ngân hàng đã và đang được hưởng lợi lãi suất ngoại tệ thì cũng cần xem xét giảm lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí cho các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu thực về vốn ngoại tệ?
Hải Hà (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.