19/12/2017 11:13 AM
Gần 1 năm qua, nhiều đại gia gom đất vùng ven chờ điều chỉnh Quyết định 33/2014/QĐ-UBND để được tách thửa. Tuy nhiên, với Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, vừa được ký ban hành, các khu dân cư xây dựng mới bị hạn chế tách thửa, khiến nguồn cung được dự báo sẽ khan hiếm trong thời gian tới.
Phá sản phân lô vì quyết định mới
Đang ôm nhiều lô đất lớn tại quận 9, Thủ Đức và Bình Chánh, gần 1 tháng nay, anh Nam bế tắc trong việc tìm người mua lại. Đại gia đất nền này cho biết, anh mua những lô đất này để đón sóng khi có quyết định mới về việc phân lô tách thửa. Với diện tích tối thiểu được giảm xuống, nhiều khả năng sẽ tạo đợt sốt mới.
“Hy vọng nhiều, nhưng Quyết định 60/2017/QĐ-UBND đã làm phá sản mọi kế hoạch. Khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới phải chờ sau 3 năm mới biết có được phân lô hay không. Với thời gian dài như vậy, không ai dám chắc lãi suất ngân hàng sẽ biến động như thế nào. Không thể nằm im ngồi chờ và trả lãi vay ngân hàng cho mấy lô đất đang thế chấp nên phải tìm cách bán gấp” - anh Nam cho biết.
Đất nền tiếp tục khan hiếm vì quyết định tách thửa mới
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT HTReal, cho rằng, mới lướt qua thì tưởng rằng Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, mở hơn so với Quyết định 33/2014/QĐ-UBND trước đó. Tuy nhiên, thực tế quyết định mới đang siết nguồn cung đất nền tách thửa.
“Đất thuộc khu dân cư hiện hữu hoặc khu dân cư hiện hữu chỉnh trang, thuộc diện được phép tách thửa, không còn nhiều. Theo quyết định cũ thì đất khu dân cư xây dựng mới vẫn được tách thửa bình thường, nhưng quyết định mới thì đất thuộc diện này không còn cơ hội. Điều này sẽ khiến nguồn cung đất nền phân lô mới đã khan hiếm lại càng cạn kiệt” - ông Hậu chia sẻ.
Ở góc độ khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu tách thửa thực hơn các đại gia gom đất rồi phân lô. Việc giảm diện tích tối thiểu xuống còn 36 - 50m2, tùy khu vực cũng phù hợp với điều kiện thực tế cũng như túi tiền của người dân.
Nguy cơ sốt đất nền bùng phát trở lại
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết, cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời, nhờ có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo thành phố, và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng và các quận, huyện.
Tuy nhiên, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đào Tổng Giám đốc Công ty VietHome, cho biết, thông thường cuối năm là thời điểm đất nền tăng mạnh nguồn cung để đón dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, năm nay nguồn cung mới không có nhiều nên mức giá có thể còn tăng cao vào đầu năm 2018.
Ông Đào cũng cho rằng, với Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, tỷ lệ đất thuộc khu dân cư hiện hữu và khu chỉnh trang, đáp ứng điều kiện tách thửa không nhiều. Do đó, khả năng sắp tới tình hình nguồn cung cũng sẽ tiếp tục khan hiếm. Nhiều khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư mới có thể phải chuyển hướng xin làm dự án chứ không tách thửa.
Thực tế, càng về cuối năm, đất nền đang có dấu hiệu tăng thanh khoản và giá bán. Điển hình như một khu đất phân lô 50 nền khu vực đường Ngô Chí Quốc, quận Thủ Đức đã được mua hết trong vòng chưa đầy 1 tuần công bố, dù mức giá cao hơn đất dự án liền kề khoảng 3 triệu/m2. Tại Nam Sài Gòn, khu dân cư cũng ghi nhận hàng trăm khách hàng đặt chỗ chỉ trong khoảng 2 tuần. Trong khi đó, các khu dân cư phân lô tại quận 9, ăn theo Vincity, cũng nóng lên vì có thông tin siêu đô thị này sắp bung hàng.
“Nhu cầu đầu tư đất nền sổ đỏ tại TP.HCM chiếm tỷ lệ khá lớn so với mua nhà phố ở các dự án. Người mua đa phần dùng tiền tích lũy và có xu hướng giữ sổ đỏ thay vì xây nhà. Với tâm lý đất nền chỉ tăng giá nhanh hay chậm chứ không xuống giá trong dài hạn. Với tương quan cung cầu hiện nay, khả năng tăng giá thời gian tới là thật chứ không còn là ảo” - ông Đào chia sẻ.
Quốc Tuấn (VietnamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.