04/03/2021 7:07 AM
Các lãnh đạo người Việt lần lượt 'bật bãi' khỏi Sabeco. Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi lại toan tính một thương vụ hiếm có tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) vừa ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Hoàng Đạo Hiệp.

Ông Hoàng Đạo Hiệp chính thức rời ghế Phó Tổng và tính cho tới thời điểm này, sau khoảng 3 năm về tay Thaibev, ban điều hành hiện nay chỉ còn lại 1 người Việt là ông Lâm Du An ở chức danh Phó Tổng Giám đốc.

Trước đó, hồi giữa 2018, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức hoàn tất công việc thay thế người Việt ra khỏi các vị trí chủ chốt tại Sabeco sau hơn 3 tháng cải tổ doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Khi đó, hai người Singapore gốc Trung Quốc nắm 2 vị trí cao nhất tại Sabeco. Ông Neo Gim Siong Bennett, người của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đảm nhiệm vị trí CEO kể từ 1/8/2018, thay cho ông Nguyễn Thành Nam. Tại ĐHCĐ vào ngày 21/7/2018, ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore, gốc Hoa) đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sabeco.

Ông Nguyễn Thành Nam là người được Bộ Công thương giao thay ông Vũ Quang Hải đại diện phần vốn Nhà nước tại HĐQT Sabeco.

Ba thành viên HĐQT khác cũng là người có liên quan đến tỷ phú Thái, bao gồm: bà Trần Kim Nga, ông Michael Chye Hin Fah (quốc tịch Singapore) và ông Pramoad Phornprapha (quốc tịch Thái Lan).

Theo quyết định của HĐQT Sabeco, ông Koh Poh Tiong là người đại diện theo pháp luật thứ nhất của Sabeco, trong khi ông Neo Gim Siong Bennett là người đại diện theo pháp luật thứ hai của doanh nghiệp này.

Tỷ phú Thái tiếp tục tập trung vào mảng bia tại khu vực.

Ông Neo Gim Siong Bennett sinh năm 1946, gốc Hoa, quốc tịch Singapore và là cử nhân kỹ thuật - cơ khí và sản xuất Đại học Nanyang, Singapore. Ông Neo Gim Siong Bennett nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bia, dầu khí, hàng hải và chuỗi cung ứng và đã công tác ở khu vực châu Á, Mỹ và Anh.

Sau khi về tay tỷ phú Thái, Sabeco gặp khá nhiều khó khăn, với doanh thu tụt giảm do ảnh hưởng của Nghị định 100 xử phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi lái... và đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua. Tuy nhiên, Sabeco vẫn giữ được lợi nhuận ở mức cao, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhờ kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Hồi cuối 2017, Công ty Vietnam Beverage của ThaiBev đã chi khoảng 5 tỷ USD để mua 53,6% cổ phần của Sabeco từ Bộ Công thương Việt Nam. Với 36% cổ phần còn lại, Bộ Công thương vẫn có tiếng nói đáng kể đối với các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.

ThaiBev cho biết, để tài trợ cho thương vụ này, ThaiBev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã tiến hành đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau với tổng số tiền tương đương 5 tỷ USD.

Thông tin gần đây cho thấy, ThaiBev chính thức gom Sabeco và mảng bia tại Thái Lan để tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với định giá lên đến 10 tỷ USD. Lượng cổ phần Sabeco mà ThaiBev đang nắm giữ đang có giá trị khoảng 2,7 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Nhà sản xuất bia thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ bán 20% trong tổng số cổ phiếu phổ thông đã phát hành của BeerCo và dự kiến huy động 2 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đang ở quanh ngưỡng 1.185 điểm.

Theo SHS, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm trước khi có thể bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.130 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3, VN-Index tăng 0,44 điểm lên 1.186,61 điểm; HNX-Index giảm 4,43 điểm xuống 247,94 điểm. Upcom-Index tăng 0,31 điểm lên 77,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 17,9 nghìn tỷ đồng.

  • Năm 2021: Chứng khoán Việt Nam bước vào vận hội mới?

    Năm 2021: Chứng khoán Việt Nam bước vào vận hội mới?

    CafeLand - Chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực mang tính bước ngoặc trong năm 2021, liệu đây là một vận hội mới? Với những niềm tin lạc quan, thị trường đầu năm đã bùng nổ với số lượng lớn nhất lịch sử nhà đầu tư mới gia nhập.

V.Hà (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.