24/04/2024 3:34 PM
Tại đại hội của Ngân hàng TPBank sáng nay (23/4), lãnh đạo nhà băng này đã trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình dư nợ nhóm khách hàng Novaland và Hưng Thịnh,

Theo đó, với nhóm khách hàng Novaland, lãnh đạo TPBank cho biết, còn một trái phiếu và một khoản cho vay vào các dự án tương đối tốt (bao gồm dự án Manhattan), có khả năng thu hồi nợ cao. Còn lại chủ yếu là khoản vay cá nhân mua dự án, tổng dư nợ khoảng 3.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng các khoản nợ này không đem đến nhiều rủi ro cho TPBbank.

Với Hưng Thịnh, ban lãnh đạo TPBank cho biết đã xử lý xong, các khoản nợ hầu hết đã được các đối tác khác của Hưng Thịnh mua lại cho nên số dư nợ là rất nhỏ.

Về kế hoạch năm 2024, ban HĐQT đưa ra quan điểm thận trọng về kế hoạch kinh doanh 2024 trước lo ngại về tình hình kinh tế nhiều biến động cả trong nước và quốc tế. Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng (tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước trên mức nền thấp) - thấp hơn kế hoạch năm 2023 (8.700 tỷ đồng) và thực hiện năm 2022 (7.828 tỷ đồng).

TPBank được NHNN phân bổ mức "room" tín dụng đạt 15,75%, đây cũng là mức kế hoạch tăng trưởng tín dụng của HĐQT trong năm nay. Ban lãnh đạo cho biết nếu tình hình giải ngân tốt thì sẽ xin cấp thêm, khi mà ngân hàng đang tập trung cho vay và giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước, các chương trình xây dựng nông thôn và dự án nhà ở xã hội.

Mục tiêu nợ xấu 2024 đạt dưới 2,5% tổng dư nợ, tuy nhiên ban lãnh đạo thể hiện quyết tâm sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% để ưu tiên sự an toàn. Trích lập dự phòng rủi ro dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 15.818 tỷ lên 22.016 tỷ đồng

Về triển vọng kinh doanh 2024, ban HĐQT cho rằng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 34% là có thể đạt được nhờ:

Thứ nhất, vấn đề nan giải nhất của năm 2023 là tình hình nợ xấu tăng cao đã được ngân hàng giải quyết bằng cách gia tăng trích lập và xử lý nợ xấu. Gánh nặng này sẽ không còn ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của năm 2024, trích lập DPRR dự kiến sẽ giảm một nửa xuống còn khoảng 2.000 tỷ đồng

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan theo sự ấm lên của kinh tế vĩ mô, dự kiến trong 2H2024 việc đẩy vốn ra thị trường sẽ tốt hơn, tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân và SME. Số lượng khách hàng tăng mạnh, mục tiêu 2024 đạt 15 triệu khách hàng vừa tạo cơ sở tăng doanh thu cho các mảng kinh doanh tiềm năng, vừa có lợi ích về CASA giúp giảm chi phí vốn.

Thứ ba, tiên phong trong chuyển đổi số sẽ giúp TPBank tiết kiệm chi phí hoạt động, qua đó hỗ trợ lợi nhuận và đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.