Một căn nhà cổ bị xuống cập trên địa bàn quận 3. Ảnh: VGP/Nam Đàn
UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc tháo dỡ nhóm 17 trường hợp không còn là biệt thự gốc do đã bị phá bỏ, hiện chỉ là khu đất trống hoặc công trình khác và 12 trường hợp biệt thự chính vẫn còn nhận biết được nhưng đã bị chia cắt, có nhiều sở hữu chủ với pháp lý sở hữu riêng trong khuôn viên biệt thự, bị xây dựng thêm hoặc sữa chữa chắp vá.
UBND thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn UBND quận 1, 3, 5, Bình Thạnh và các chủ đầu tư về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình để thực hiện cấp phép xây dựng mới theo quy định.
Đồng thời giao Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện quản lý chặt chẽ các công trình có nguồn gốc biệt thự cũ, nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật.
Ngoài ra, UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo “Tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn thành phố” và “Quy định quản lý công trình xây dựng trên các khu đất biệt thự cũ không thuộc nhóm bảo tồn”, để trình UBND thành phố ban hành gấp nhằm có cơ sở xem xét, giải quyết nhanh việc cho phép tháo dỡ và cấp phép xây dựng cho người dân đối với các biệt thự không có giá trị bảo tồn.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, thời gian qua, đã có hơn 41 hồ sơ xin tháo dỡ nhà hiện trạng, cải tạo lại hoặc xây dựng mới trên các khu đất có nhà biệt thự hoặc từ khuôn viên biệt thự.
Theo đó, hơn 41 trường hợp nói trên chỉ có giấy tờ về sở hữu liên quan đến biệt thự, còn thực tế hiện trạng kiến trúc hiện nay không thể xếp loại vào nhóm 1, nhóm 2 theo Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 8/12/2009 của Bộ xây dựng vì không còn là biệt thự hoặc không còn giữ nguyên hình ảnh và cấu trúc nguyên trạng của biệt thự để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn.
Theo quan điểm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, những hồ sơ có tình trạng kể trên không cần phải tiến hành kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự mà nên loại khỏi chương trình nghiên cứu bảo tồn, đồng thời hướng dẫn về quy hoạch kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng theo quy định thông thường nhằm tránh ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cải tạo, xây dựng công trình của của người dân, cũng như tạo áp lực về tồn đọng hồ sơ tại cơ quan quản lý.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, thống kê của các quận huyện cho thấy, hiện có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ, tập trung ở các quận 1, quận 3. Hiện Trung tâm đã kiểm kê được 500 biệt thự, dự kiến việc kiểm kê sẽ hoàn tất vào đầu năm 2016.
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm kê đã phát hiện tình trạng một số căn “biến mất” do bị tháo dỡ, bị đập để xây công trình mới. Theo đơn vị này, công tác bảo tồn nhà cổ đang gặp khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực cũng như sự hợp tác của một số chủ sở hữu.