Từ chung cư cao cấp đến chung cư giá rẻ, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng là điều người dân “nhịn” quen rồi. Song, có một điều muốn “nhịn” cũng khó: đó là nước sinh hoạt.
Khát đủ kiểu!

Khu đô thị Đại Thanh là dự án chung cư giá rẻ từng gây cơn sốt trên thị trường BĐS Hà Nội với giá bán chỉ từ 10 triệu đồng/m2. Gần 1 năm đi vào sử dụng, hiện 4.000 hộ dân ở đây đang khốn khổ bởi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Các cư dân cho biết, trước đây thỉnh thoảng cũng mất nước khi đường ống nước sông Đà bị vỡ, nhưng hơn 1 tháng nay, nước mất hẳn, mỗi ngày chỉ có 20-30 phút và lượng nước rất yếu.

Có những ngày nước chỉ đủ dùng cho nhu cầu của con, bố mẹ chỉ dám rửa mặt dù trời nóng 380 – 390C, quần áo dồn lại đi giặt nhờ, còn các khâu vệ sinh thì bất tiện khỏi bàn. Có hôm các gia đình phải dậy từ 4 - 5g sáng để xếp hàng chờ nước ở bể, không đủ phải mua thêm bình nước ở ngoài. Dịch vụ cung cấp nước tự phát cũng được dịp nở rộ quanh khu đô thị này với giá cắt cổ 15.000 đồng/2 xô nước.

Đại diện chủ đầu tư cho rằng, thiếu nước là lỗi của nhà cung cấp nước. Còn phía Viwaco thì khẳng định Cty này vô can khi lượng nước cung ứng về khu đô thị Đại Thanh hoàn toàn không giảm, mà do số lượng dân cư không ngừng tăng lên đã dẫn đến tình trạng trên. Và, cứ như thế, không biết ai sẽ là người đứng ra giải bài toán này cho cư dân. Cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cũng “vô can” đứng ngoài cuộc.

Chủ đầu tư cũng đã xoay xở khi tìm thêm nguồn cung cấp nước khác ngoài Viwaco là nhà máy nước Thanh Trì, đồng thời thi công thêm một tuyến đường ống dài khoảng 1,3 km để gia tăng áp lực nước đến khu đô thị, nhưng vì chưa xong nên tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Chung tình trạng, nhưng là nỗi lo lớn hơn là tình cảnh của 300 hộ dân ở khu chung cư Nam Đô Complex, tại số 609 đường Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong tình trạng có nước mà không dám dùng do chất lượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo đó, hàm lượng Asen (chất gây ung thư) đã cao gấp 2 lần cho phép của Bộ Y tế. Từ thực tế đó, vào ngày 25-2, đại diện ban quản lý tòa nhà Nam Đô lấy mẫu nước đi kiểm tra cho kết quả là hàm lượng Asen (chất thạch tín - PV) ở bể nước trên mái tòa nhà vượt 0,025mg/l, ở bể ngầm 0,023mg/l, nước từ vòi các hộ dân là 0,019mg/l. Quy định của Bộ Y tế cho phép là 0,01mg/l.

Các cư dân cho biết, nguồn nước từ tòa nhà cung cấp bị nhiễm Asen, những hộ gia đình có con nhỏ phải mua bình nước lọc về sử dụng cho sinh hoạt ăn uống hằng ngày. Nhiều gia đình không có điều kiện vẫn buộc phải sử dụng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó TGĐ Cty CP Đầu tư GP.Invest khẳng định, Cty đã thuê nhà thầu xây lắp có kinh nghiệm thi công nhiều công trình và đường ống dẫn đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu.

Trong công văn trả lời của Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội lại đưa ra kết quả là: “Mặc dù tất cả các mẫu nước tại Nam Đô Complex không bị nhiễm Asen (thạch tín) nhưng chỉ tiêu Nitrit/Nitrite đều vượt quá giới hạn cho phép từ 1,6 đến 3,2 lần theo QCVN 01:2009/BYT, không đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt”.

Ngày 10-6, dân cư khu đô thị Dương Nội tá hỏa khi dùng nước đánh răng rửa mặt buổi sáng, người dân mở vòi nước thì phát hiện nước vẩn đục như màu cà phê và hiện tại không dám sử dụng, chờ cơ quan chức năng kết luận. Đây là số ít trong những câu chuyện dở khóc dở cười ở các khu chung cư.


Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt ở các chung cư sẽ là câu chuyện còn dài. Ảnh: Quang Minh

TP quyết liệt, dưới dửng dưng?

Trước tình hình nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội thường xuyên mất nước, cuối tháng 5-2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục ngay.

“Mất nước sinh hoạt một ngày các đồng chí có chịu được không? Do vậy, phải cải tạo bổ sung ngay mạng lưới cấp nước sạch cho nhân dân. Đừng để chung cư cao cấp rồi đến khu tái định cư dân không dám đến ở vì thiếu nước. Đối với khu vực đường ống nước chưa thể khắc phục được phải bằng các giải pháp khác nhau kể cả hàng ngày phải dùng xe téc chở nước đến giao cho dân”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo.

Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải đi rà soát các khu vực dân còn “khát nước”, đồng thời cũng phải xử lý các đơn vị sử dụng nước sạch không đúng mục đích gây lãng phí, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Quang Minh (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.