Một góc khu dân cư tại quận 9, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20-8, cho biết sẽ kiến nghị sửa luật, theo đó sẽ sử dụng thuế suất như một công cụ để buộc các dự án phải đưa vào khai thác hiệu quả.
Mức thuế sẽ lũy tiến hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, nghĩa là dự án để càng lâu mức thuế bị đánh sẽ càng cao, khiến nhà đầu tư không dám găm giữ đất. Nếu thực hiện tốt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không phải ra quyết định hành chính để thu hồi dự án, mà tự nhà đầu tư sẽ cân nhắc có nên giữ đất hay không.
Việc các dự án chậm triển khai khá phổ biến hiện nay, một phần do thị trường bất động sản không thuận lợi, một phần nhà đầu tư không đủ sức giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Chẳng hạn, thành phố Hà Nội cũng vừa có đợt rà soát lại các dự án chậm triển khai, theo đó có khoảng 130 dự án chiếm hơn 1.600 héc ta đất được đưa vào danh sách các dự án cần xử lý rốt ráo.
Trong khi đó tại TPHCM, UBND thành phố cuối năm ngoái cũng đã giao các quận huyện chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư 29 dự án nhà ở có tổng diện tích khoảng 380 héc ta.
Trước đó, TPHCM đã có chủ trương sẽ không gia hạn đối với các dự án nhà ở có tiến độ thỏa thuận bồi thường dưới 50% diện tích đất của dự án. Trong trường hợp các dự án đã thỏa thuận bồi thường từ 50% diện tích trở lên, các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ, thời gian thực hiện hoàn tất dự án theo kế hoạch.
Tính đến cuối năm vừa qua, TPHCM đã thu hồi 108 dự án chậm triển khai với diện tích 2.165 héc ta.
Tại phiên chất vấn trên, các đại biểu cũng đặt vấn đề lãng phí đất đai tại các khu công nghiệp khi diện tích lấp đầy chưa được bao nhiêu; nhiều dự án lớn thu hồi đất của dân nhưng tiến độ triển khai chậm.
Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết sắp tới sẽ buộc các nhà đầu tư phải ký quỹ để san lấp mặt bằng lại như cũ và phục hồi lại môi trường.