Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn tới nền kinh tế, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vẫn cao nhất giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong những động lực giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là gần 390 ngàn tỉ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Với kết quả tích cực nêu trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương về giải pháp để đạt được kết quả đó và những điểm khác biệt để năm 2021 tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn.
- Phóng viên: Giải ngân nguồn vốn đầu tư là một điểm sáng trong năm 2020 dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội nước ta. Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm vừa qua?
+ Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công đến 31-12-2020 là gần 390 ngàn tỉ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết Luật Đầu tư công 2019 có nhiều điểm mới, sẽ thúc tiến độ giải ngân vốn - Ảnh: M.Chiến
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, điều này cũng kéo theo sự sụt giảm của vốn đầu tư. Thực tế này không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng chịu tác động tương tự. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020 đã tạo động lực quan trọng cho phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Như chúng ta đã thấy, vốn đầu tư công tập trung nhiều cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, công trình kết nối vùng, liên vùng. Một con đường, một khu công nghiệp, một kết cấu hạ tầng được hoàn thành, xung quanh đó là sự phát triển, đường sá mở đến đâu thì phát triển đến đó, đây là đặc thù của Việt Nam. Do đó, khi dòng vốn được đẩy nhanh tiến độ giải ngân, công trình sớm đưa vào khai thác, sử dụng sẽ thu hút các nguồn đầu khác cho phát triển kinh tế nói chung.
- Như Thứ trưởng đã nói, kết quả đạt được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thứ trưởng có thế nói rõ hơn về các nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt kỷ lục trong giai đoạn 2016-2020?
+ Trước hết, chúng ta phải nhìn vào công tác chỉ đạo, điều hành. Chưa bao giờ chúng ta có công tác chỉ đạo quyết liệt như năm 2020 vừa qua. Tôi có thể dẫn chứng như các chỉ đạo, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng chủ trì các hội nghị trực tuyến với bộ ngành, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19
Thứ 2, năm 2020 là năm cuối cùng để thực hiện những quy định của Luật đầu tư công 2014, do đó tiến độ đã được đẩy nhanh hơn. Sau đó, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ dựa trên các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật số 39) kể từ ngày 1-1-2021, với nhiều điểm mới.
- Với những điểm mới trong Luật Đầu tư công, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 sẽ tốt hơn, thưa Thứ trưởng?
+ Trong Luật Đầu tư công sẽ có những quy định bắt buộc các bộ ngành, địa phương phải giải ngân tốt hơn, nếu không tốt hơn thì địa phương đó, bộ ngành đó sẽ bị trừ tiền. Chúng ta hay nói về chế tài thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và chế tài đó là "đánh thẳng vào túi tiền".
Một địa phương, bộ ngành, theo quy định luật mới, đến cuối năm, số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cụ thể, một đơn vị được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5.000 tỉ đồng, năm đầu giao 1.000 tỉ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 800 tỉ đồng thì kế hoạch trung hạn sẽ bị giảm 200 tỉ đồng, chỉ còn 4.800 tỉ đồng.
Tuyến đường vành đai 3 kéo dài tại Hà Nội vừa khánh thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2020 - Ảnh: M.Chiến
Nghĩa là nếu không giải ngân được thì sẽ bị trừ tiền, nên các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực, có các giải pháp để giải ngân vốn hiệu quả. Đây chính là vấn đề mà chúng ta thường nói trong giải ngân vốn đầu tư công là không thấy ai bị xử lý kỷ luật khi giải ngân vốn không đạt tiến độ, nhưng giải pháp hiệu quả là kinh tế, là trừ tiền nên buộc các cơ quan phải có giải pháp để đẩy nhanh.
- Thưa Thứ trưởng, với những quy định "đánh thắng vào túi tiền", các bộ ngành, địa phương sẽ thận trọng, cân nhắc hơn trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, để không bị trừ tiền khi không giải ngân được?
+ Trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công, ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, càng có lợi cho bộ ngành mình, địa phương mình. Tuy nhiên, với quy định mới ở Luật Đầu tư công, việc nhận nhiều vốn chưa chắc đã là tốt nếu không có phương án giải ngân hợp lý, đúng tiến độ.
Do đó, các bộ ngành, địa phương phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng khi lập kế hoạch, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng kế hoạch vốn tất nhiên sẽ có sự xê dịch nhất định, nhưng các bộ ngành, địa phương phải cố gắng làm sao để sát nhất, không tạo ra khoảng cách thừa thiếu quá lớn.
Trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT kỳ vọng với quy định mới, tiến độ giải ngân sẽ tốt hơn. Cùng với các giải pháp bộ sẽ tiến hành, nhắc nhở, đôn đốc. Khi đến tháng 6, tháng 9 hàng năm, nếu giải ngân có vấn đề, chưa đảm bảo tiến độ thì bộ sẽ nhắc nhở, đôn đốc các bộ ngành, địa phương phải có động thái. Nếu không cuối năm, theo luật, sẽ trừ vốn dẫn đến bộ ngành, địa phương đó phải chịu thiệt.
- Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải đi liền với chất lượng, hiệu quả. Thứ trưởng có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
+ Đây cũng là vấn đề rất quan trọng. Như tôi đã nói ở trên, một con đường, một khu công nghiệp, một kết cấu hạ tầng được hoàn thành, xung quanh đó là sự phát triển, đường sá mở đến đâu thì phát triển đến đó. Do đó, chất lượng của dự án, của công trình sử dụng vốn đầu tư công phải đảm bảo.
Về chất lượng dự án, trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản công trình đó. Vừa qua báo chí cũng đã phản ánh một số dự án làm xong, ngay năm sau đã nứt lún, thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, người thực hiện dự án đó. Chúng ta đã có đầy đủ các quy định về chất lượng công trình. Chủ đầu tư, ban quản lý các dự án cần quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng ta còn công tác kiểm tra, hậu kiểm để đánh giá chất lượng công trình.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ KH-ĐT đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: Thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát tiến độ thực hiện từng dự án của đơn vị mình; Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn NSNN; Xử lý kịp thời cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn NSNN.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.
-
Chuyển đổi hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công
Hai dự án thành phần trên cao tốc Bắc Nam, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu được chuyển sang đầu tư công do trước đó không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.