01/02/2013 7:44 AM
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho rằng, việc nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) mới đây đòi chủ đầu tư bồi thường 200 tỷ đồng do chậm tiến độ giao mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân vừa rồi là trường hợp đầu tiên, có tác dụng tích cực đối với ngành xây dựng Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Ông Hiệp nói: Thường lâu nay, các chủ đầu tư có quyền phạt nhà thầu thi công chậm tiến độ, không đáp ứng được tiến độ, vi phạm hợp đồng đã cam kết.

Còn việc nhà thầu kiện, yêu cầu phạt lại chủ đầu tư là hi hữu, là trường hợp duy nhất trong xây dựng ở Việt Nam, nhưng điều này là hoàn toàn đúng. Bởi bản thân các nhà thầu khi triển khai, thi công dự án, họ phải huy động lực lượng, trang thiết bị.

Cụ thể, một dự án lớn như cầu Nhật Tân thì phía nhà thầu phải mua sắm trang thiết bị, máy móc đôi khi chỉ dùng được cho công trình ấy, chứ không thể dùng cho công trình khác.

Với các thiết bị đắt tiền mà không sử dụng khoảng 1 năm thì nhà thầu cũng đã lỗ vô hình vì khấu hao thiết bị, đó là chưa kể các chuyên gia cao cấp từ nước ngoài sang thực hiện dự án phải trả với mức lương cao mà phải chờ một năm rưỡi không làm việc thì đó là khoản chi phí rất lớn.

Nhà thầu yêu cầu bồi thường như thế theo tôi là hợp lý, nó sẽ có tác dụng tích cực đối với thị trường xây dựng Việt Nam ở khía cạnh đòi hỏi phải có sự công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Nó sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các nhà thầu yêu cầu bồi thường, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình với các chủ dự án làm ăn không đúng cam kết.

Đây mới là nói về việc GPMB còn vấn đề thanh toán vốn dự án nhất là vốn ngân sách nhiều dự án chưa chuẩn bị đủ nhưng tổ chức đấu thầu, thi công dẫn đến phải nợ tiền nhà thầu.

Lâu nay, các nhà thầu đều không biết kêu ai khi các chủ dự án chậm bàn giao mặt bằng, chậm thanh toán vốn hay tiền thi công.

Theo Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, việc nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường ở dự án cầu Nhật Tân vừa qua phải có trọng tài kinh tế phân xử.

“Liên quan đến nhà thầu nước ngoài thì phải thông qua Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế, đây gần như là luật của các nhà thầu quốc tế. Nếu như dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn tài trợ bên ngoài thì chắc chắn phải sử dụng luật pháp quốc tế đối với hiệp hội nhà thầu.

Các quy định đó rất chặt chẽ, bảo vệ cả chủ đầu tư và nhà thầu nên họ phải chấp nhận khi phán xét đưa ra.

Đã có quy định để xử lý phía chủ đầu tư hay nhà thầu khi chậm tiến độ hay chưa?

Hiện nay, giữa nhà thầu và chủ dự án chỉ có cam kết theo hợp đồng dân sự giữ hai bên chứ chưa có luật hay quy định nào để xử lý vi phạm. Có nghĩa là khi xảy ra sự việc, hai bên xem xét trên hợp đồng kinh tế đã ký kết có thực hiện đúng hợp đồng hay không.

Nhưng thực ra, trong quan hệ dân sự giữa bên chủ dự án và nhà thầu, thế thượng phong thường thuộc về chủ đầu tư, vì họ là người trả tiền, còn nhà thầu chỉ là người đi làm thuê.

Vì vậy, về mặt tâm lý, nhà thầu không muốn quá căng thẳng với chủ đầu tư để đến khi thanh toán lại bị làm khó. Bởi vì có khởi kiện ra toà, chờ đợi phân xử của tòa án thì quá mệt mỏi.

Năm 2012, hàng loạt nhà thầu xây dựng trong nước phá sản, làm ăn thua lỗ mà một trong những nguyên nhân chính là do phía chủ đầu tư dự án chậm giải ngân, thanh toán tiền. Với những trường hợp như vậy, phía nhà thầu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do chủ dự án gây ra không?

Đó là những cái chết tức tưởi của các nhà thầu xây dựng. Có nhà thầu thi công xong hàng năm trời vẫn bị chủ đầu tư nợ.

Nhất là các dự án có vốn ngân sách khi khó khăn không bố trí được nguồn vốn hay bị cắt giảm nguồn vốn thì nhà thầu chết, bị phá sản vì phải vay ngân hàng trả lãi hằng tháng để thực hiện dự án nhưng chưa biết bao giờ được thanh toán.

Nhà thầu dù ấm ức đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám kiện chủ đầu tư vì muốn được yên thân.

Thế nhưng, tất cả các quan hệ ấy không phải cái nào cũng đưa được ra tòa để xử, nên họ vẫn phải tìm cách để thương lượng. Trong cơ chế thanh toán, chủ đầu tư nợ thì không ai phạt, nhưng nếu là nhà thầu thì bị phạt ngay.

Từ câu chuyện nhà thầu Nhật Bản yêu cầu bồi thường với tư cách là Hiệp hội Nhà thầu, các ông có biện pháp gì để bảo vệ nhà thầu?

Chúng tôi có kiến nghị trong Luật Đấu thầu khi sửa đổi phải có khía cạnh bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư để giảm thiệt hại cho nhà thầu. Tức là chủ đầu tư định làm gì thì kho bạc phải bảo lãnh thanh toán cấp đủ vốn cho dự án.

Ngược lại, chúng tôi cũng đưa ra bảng xếp hạng năng lực nhà thầu để chủ đầu tư có điều kiện lựa chọn đơn vị thi công dự án. Tôi tin rằng, nếu hai tiêu chí này được thực hiện sẽ giúp cho thị trường xây dựng, cho các dự án xây dựng tốt hơn.

Câu chuyện nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường ở dự án cầu Nhật Tân vừa qua được rất nhiều nhà thầu trong nước quan tâm. Nếu như nhà thầu Nhật Bản đòi được tiền bồi thường thì chắc nó tạo tiền lệ cho các nhà thầu Việt Nam có những đòi hỏi chính đáng như vậy với chủ đầu tư.

Nguyễn Tú (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.