Kết quả của cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn, thấu hiểu lẫn nhau giữa lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) với các thành viên thị trường là hy vọng sẽ có chính sách thuế hợp lý đối với lĩnh vực chứng khoán, nhằm khuyến khích TTCK phát triển hơn.
Chính sách thuế: sẽ rà soát hết những bất cập
Trong số các kiến nghị về chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán được các thành viên thị trường nêu ra tại Hội thảo “Xây dựng Thông tư hướng dẫn về chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán”, do UBCK phối hợp với Vụ Chính sách thuế tổ chức ngày 3/7, phần lớn là những bức xúc cũ, đã kiến nghị cơ quan quản lý sửa đổi nhiều lần.
Trong đó, “nóng” nhất vẫn là ý kiến về sự bất hợp lý trong quy định đánh thuế với NĐT đầu tư qua quỹ đầu tư đang cao hơn hình thức đầu tư trực tiếp. Điều này làm cho các quỹ khó huy động vốn, trong khi cơ quan quản lý đang muốn khuyến khích mô hình đầu tư qua quỹ phát triển nhanh hơn, để gia tăng lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp cho thị trường.
Tuy nhiên, điểm mới tại hội thảo là tinh thần cởi mở, thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lĩnh vực chứng khoán của lãnh đạo Vụ Chính sách thuế và UBCK.
“Dự thảo Thông tư được viết ra dựa trên hiểu biết của Ban soạn thảo, nên khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Bởi vậy, chúng tôi rất cần sự góp ý cụ thể, thẳng thắn của các công ty quản lý quỹ, CTCK, NĐT..., nhằm giúp Ban soạn thảo hoàn chỉnh văn bản theo hướng hợp lý hơn. Nhà nước không có tư tưởng thu nhầm hơn bỏ sót, không thu thừa, nhưng cũng không để lọt lưới...”, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thẳng thắn nói.
Ông Phụng cũng khẳng định, việc sửa đổi quy định về thuế trong lĩnh vực chứng khoán tại thông tư này không thể “qua mặt” các quy định của các luật thuế TNDN, thuế GTGT và thuế TNCN hiện hành cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành các luật thuế này. Đó là lý do tại sao một số kiến nghị của các thành viên thị trường chưa để đưa vào dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, cũng có đề xuất Ban soạn thảo cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng đặc thù nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ, NĐT trong và ngoài nước... trước khi hoàn tất chính sách thuế.
Để sớm tháo gỡ tình trạng bất cập của Luật thuế TNCN khiến NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế, ông Phụng cho biết, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ phương án sửa đổi Luật, cũng như Nghị định hướng dẫn luật. Nếu những đề xuất này được Chính phủ thông qua vào cuối năm nay, thì quy định bắt buộc đăng ký nộp thuế TNCN vào đầu năm sẽ được thực hiện vào cuối năm. Với cách điều chỉnh này, NĐT thua lỗ sẽ không phải nộp thuế. Dự kiến, sửa đổi này sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2013.
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn về thuế TNDN, trong đó, nỗ lực đưa ra phương án xử lý chênh lệch tỷ giá, nhằm khắc phục những bất cập hiện tại. Điều này cùng với những sửa đổi được quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán đang được khẩn trương hoàn chỉnh, để có thể áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm nay, sẽ tạo ra cơ chế khuyến khích TTCK phát triển hiệu quả hơn.
Chứng khoán cần được ưu đãi
Là người chủ trì Hội thảo, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, trên cơ sở ý kiến của các thành viên thị trường, UBCK sẽ khẩn trương xem xét, hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Thông tư về thuế.
Trong đó, UBCK sẽ đưa ra các kiến nghị cụ thể, nhằm có những ưu đãi thuế hợp lý, nhất là đối với quỹ đầu tư, để thiết thực khuyến khích TTCK phát triển hiệu quả hơn với tư cách là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế như định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. UBCK sẽ có thêm một buổi họp với Vụ Chính sách thuế, các hiệp hội, đại diện một số CTCK, công ty quản lý quỹ… để thống nhất các nội dung cần bổ sung vào dự thảo Thông tư, trước khi hoàn chỉnh dự thảo để lấy ý kiến các thành viên thị trường lần cuối.
Ông Bằng nhìn nhận, 12 năm phát triển, TTCK đã huy động được gần 650.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy vậy, chứng khoán vẫn là một ngành mới, rất cần khuyến khích phát triển. Đầu tư vào chứng khoán nhiều rủi ro, nên để tăng thu hút NĐT tham gia, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, trong đó, thuế là một công cụ quan trọng.
Bởi vậy, việc xây dựng chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán cần được cân nhắc theo hướng tạo ra cơ chế ưu đãi về thuế hợp lý, nhằm khuyến khích TTCK phát triển hiệu quả và lành mạnh hơn, để đảm đương tốt hơn vai trò huy động vốn cho nền kinh tế. Thực tế, dòng tiền luân chuyển trên thị trường vốn quốc tế rất linh hoạt giữa các nước, nên nếu không có chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn, trong đó, có cơ chế thuế, thì sẽ khó thu hút được dòng vốn nước ngoài tham gia TTCK trong giai đoạn tới.
“Cần bổ sung quy định về thuế đối với quỹ mở”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Tài chính, CTCK Sài Gòn (SSI)
Năm 2012, hàng loạt văn bản mới đã và sẽ được ban hành, qua đó mở đường cho sự ra đời của các sản phẩm đầu tư mới, trong đó có quỹ mở, quỹ ETF và quỹ hưu trí. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về thuế điều chỉnh các hoạt động liên quan đến các loại hình quỹ mới này. Chẳng hạn, với quỹ mở và quỹ ETF, hoạt động mua, bán chứng chỉ quỹ của NĐT với các công ty quản lý quỹ có bị đánh thuế không, mức thuế là bao nhiêu? Dự thảo Thông tư cần bổ sung quy định về vấn đề này. Theo thông lệ quốc tế, trong thời gian đầu, đê khuyến khích các loại hình quỹ phát triển, nên miễn, giảm thuế đối với NĐT đầu tư vào quỹ.
Hiện tại, không có quy định cụ thể đối với thuế áp dụng trong trường hợp NĐT tổ chức nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp tại các quỹ thành viên trong nước. Thông tư số 160/2012/TT-BTC hướng dẫn mức thuế áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị bán. Tuy nhiên, hiện có hai loại hình quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ đầu tư thành viên và quỹ đại chúng, quỹ mở. Đối với các quỹ đầu tư đại chúng, quỹ mở, thì NĐT sở hữu chứng chỉ quỹ (được xem là một loại chứng khoán), còn đối với các quỹ đầu tư thành viên, thì NĐT lại sở hữu phần vốn góp. Nên bổ sung quy định áp dụng mức thuế khoán 0,1% trên giá trị bán phần vốn góp vào quỹ thành viên.
“Nên quy định CTCK trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán”
Bà Bùi Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, CTCK TP. HCM (HSC)
Dự thảo Thông tư quy định, CTCK, công ty quản lý quỹ thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tự doanh theo hướng dẫn tại Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại DN. Trong khi đó, chính thông tư này lại quy định, “các tổ chức đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán như các CTCK, công ty quản lý quỹ…, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng”. Do vậy, để có căn cứ thực hiện quy định này, dự thảo Thông tư cần được sửa đổi theo hướng: “CTCK, công ty quản lý quỹ thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tự doanh theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư 228/2009…”.
Dự thảo Thông tư quy định, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế TNDN với thuế suất 25% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế TNCN trước khi chi trả lợi tức cho NĐT cá nhân đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư BĐS. Trong khi đó, Luật thuế TNCN hiện hành cho phép NĐT được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán, nhưng nếu NĐT trực tiếp đầu tư, thì mức thuế suất cao nhất là 20%, còn đầu tư thông qua quỹ, thì mức thuế suất lên tới 30%. Điều này là bất hợp lý, nên được sửa đổi cho phù hợp.