CafeLand - Thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, một đại gia trong ngành bất động sản rút khỏi lĩnh vực này đã làm xáo trộn thị trường những ngày qua. Liệu sau Hoàng Anh Gia Lai còn bao nhiêu ông lớn nữa sẽ tháo chạy khỏi ngành này?

Khu phức hợp có tổng vốn đầu tư 440 triệu USD của Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, Myanmar

Giữa tháng 8, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư và đưa ra chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013 – 2015 và kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn.

Theo kế hoạch này, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ tập trung vào 2 mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại một số nước như Lào, Myanmar. Riêng các dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con có sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại thành phố Yangon, Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát Triển Nhà Hoàng Anh.

Công bố của Hoàng Anh Gia Lai không quá bất ngờ vì trước đó ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch tập đoàn này đã nhiều lần tiết lộ kế hoạch sẽ “buông” bất động sản trong nước để tập trung cho mảng nông nghiệp và đầu tư dự án bất động sản tại nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, với thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, không chỉ riêng Hoàng Anh Gia Lai mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang tính nước rút khỏi thị trường.

Trước đó, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam đã buộc gấp rút phải thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản do tập đoàn này đã không có được thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó EVN đang tập trung thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình…

Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam khó khăn, Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Savills đã công bố kế hoạch mở rộng việc kinh doanh sang các nước Lào, Campuchia và Myanmar sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về các thị trường này.

Trả lời câu hỏi có hay chăng việc rút dần khỏi thị trường bất động sản Việt Nam khi thị trường này gặp khó, ông Chris Marriott - Giám đốc điều hành Savills Đông Nam Á cho hay, sở dĩ Savills quyết định mở rộng thị trường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á là vì nhận thấy đây là một khu vực rất nhiều tiềm năng. Mặc dù vậy, Savills vẫn xem Việt Nam là một trong những thị trường chủ lực “chúng tôi có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam”, ông Marriott nhấn mạnh.

Việc rút lui của nhiều ông lớn có thể là “tin buồn” cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đó lại là cứu cánh để doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Nhưng rút lui hay tiếp tục ở lại là chiến lược kinh doanh riêng của mỗi doanh nghiệp. Nếu như Hoàng Anh Gia Lai muốn rút lui thì cũng có những doanh nghiệp chấp nhận cầm cố cả sổ đỏ của Chủ tịch HĐQT và con gái để tiếp tục trụ lại thị trường bất động sản. Thị trường này đang khó khăn, hàng tồn kho chất đống, doanh nghiệp trong ngành đang chật vật, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, từ chiến lược tái cơ cấu của một doanh nghiệp mà gán cho đó là xu hướng của cả thị trường thì có lẽ hơi vội vàng.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.