08/10/2017 9:14 AM
“Ngay trước khi VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) thực hiện thu giữ tài sản của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là công trình cao ốc phức hợp và quyền khai thác công trình của dự án đầu tư cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM, tôi đã nhận được không ít cuộc điện thoại hỏi thăm”, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, trao đổi bên ngoài hành lang một sự kiện.
VAMC được quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Ảnh: THÀNH HOA
Ông bảo nói thế để thấy quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ xấu đã được quy định rõ tại Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ, nhưng thực hiện được quyền ấy cũng không đơn giản.

Tuy nhiên, “VAMC kiên quyết làm và cứ đúng quy định pháp luật mà làm. Chúng tôi mời đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, địa phương tham gia khi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo cho các khoản nợ”, ông Đông nhấn mạnh.

Những tài sản lớn

Sài Gòn One Tower là tài sản thế chấp cho khoản nợ (đã trở thành nợ xấu) hiện cả gốc và lãi lên tới 7.000 tỉ đồng được Ngân hàng TMCP Hàng hải và Ngân hàng TMCP Đông Á bán cho VAMC vào tháng 4-2015. Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC, đây là khoản nợ lớn nhất có tài sản đảm bảo mà VAMC đã mua và việc xử lý được tài sản này để thu hồi nợ sẽ giúp cho VAMC có kinh nghiệm để xử lý những khoản nợ sau.

Sau khi thu giữ Sài Gòn One Tower, ngày 26-9-2017 trên trang web của mình, VAMC ra thông báo đề nghị các tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản trên liên hệ trực tiếp với VAMC để cung cấp thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh nếu có trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 20-9-2017. Quá thời hạn này, VAMC sẽ triển khai xử lý tài sản theo quy định pháp luật. Các bước xử lý tiếp theo của VAMC sẽ bao gồm thẩm định giá trị tài sản qua các công ty thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá công khai. Ai trả giá cao nhất (tất nhiên cao hơn giá khởi điểm) sẽ mua được.

VAMC đã có trong tay không ít tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã mua. Song không phải cứ bán là có người mua. Có tài sản rao bán đến lần thứ mười vẫn chưa bán được.

Trước đó một ngày, cũng trên trang web, VAMC đăng tải thông báo tìm doanh nghiệp thẩm định giá để thẩm định giá trị khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo cho khoản nợ của nhóm công ty Hoàn Cầu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Tài sản thế chấp là 8 lô đất, đã được đăng ký giao dịch đảm bảo, nợ gốc của khoản vay là 2.400 tỉ đồng, lãi 177 tỉ đồng. Khoản nợ đã được Sacombank bán cho VAMC.
Theo bản “thông tin tóm tắt khoản nợ” của VAMC, tổng giá trị định giá khi cho vay năm 2012 của 8 lô đất là 2.418,5 tỉ đồng. Tại thời điểm đó, thị trường bất động sản ở đáy, còn hiện tại giá bất động sản đã chuyển động ít nhiều. Ông Thắng nói với người viết bài này khả năng tìm được đối tác mua các lô đất tương đối cao và có thể Sacombank sẽ thu hồi được cả gốc cộng lãi của khoản nợ.

Bán khó, bán dễ

Trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã có trong tay không ít tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã mua. Một tỷ lệ tài sản đã có hồ sơ pháp lý hoàn thiện và được định giá, mang ra chào bán đấu giá. Song không phải cứ bán là có người mua. Có tài sản rao bán đến lần thứ mười vẫn chưa bán được.
Đầu tháng 6-2017, VAMC thông báo bán đấu giá lần thứ 7 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là khách sạn của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành ở Bà Rịa - Vũng Tàu giá khởi điểm 148 tỉ đồng. Cũng lần thứ 7, đầu tháng 9-2017 VAMC thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp cho khoản nợ của Công ty cổ phần Xi măng Puzơlan Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) gồm máy móc, thiết bị, công trình nhà máy gắn liền với 44.814 mét vuông đất, giá khởi điểm 25,6 tỉ đồng. Cùng thời điểm, VAMC chào bán lần thứ 10 khoản nợ của Công ty TNHH Gốm xây dựng Đá Bạc tại VietinBank giá khởi điểm 53,4 tỉ đồng.

Danh sách tài sản bán của VAMC còn dài. Ông Thắng giải thích có tài sản rao đến 10 lần vẫn chưa bán được có thể do định giá cao so với giá thị trường. Những lần chào bán sau, theo quy định VAMC có thể giảm giá khởi điểm tối đa 10%, nhưng thường VAMC chỉ giảm 1%/lần. Giảm 10% là quá nhiều, 1% là thận trọng. Thà giảm nhiều lần với bước giá nhỏ rồi cũng sẽ tới điểm giá mà thị trường chấp nhận, tức có người mua. Nếu giảm ngay mỗi lần 10%, lỡ bán hớ, ai chịu trách nhiệm dù quy định cho phép?

Hơn nữa sau khi món nợ đã được bán cho VAMC, ngân hàng và con nợ vẫn phải hợp tác với VAMC để xử lý tài sản, xử lý nợ, không phải bán rồi là coi như xong. Cả ba bên đều phải cố gắng để giao dịch tài sản với giá tốt nhất, thu hồi được nợ tối đa, tránh thiệt hại cho con nợ, ngân hàng.

Gần đây thị trường bất động sản khởi sắc, VAMC kỳ vọng các tài sản đảm bảo được bán nhanh hơn, giá tốt hơn. Tuy thế, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh đất đai mà chúng tôi tham khảo ý kiến lại cho rằng bất động sản không đóng băng như trước, còn tăng trưởng toàn diện, thực sự thì chưa. Có những công ty bất động sản xem xét “kho” tài sản đảm bảo của ngân hàng, họ nhặt ra những dự án hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nghiên cứu vị trí, nhận thấy triển khai mà bán được sản phẩm, họ mới liên hệ với con nợ và ngân hàng để thương lượng.

Mua nợ bằng tiền

Ông Đông cho biết tới đây trong quí 4-2017 VAMC sẽ tiến hành mua nợ bằng tiền. Được thế thì còn gì bằng. Cái khó là vốn của VAMC còn nhỏ. Để có tiền VAMC sẽ trình đề án phát hành trái phiếu VAMC có kỳ hạn. Trái phiếu này sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho chiết khấu.

Ngoài ra VAMC dự kiến mua nợ theo hình thức trả chậm. Các tổ chức tín dụng chắc chắn hoan nghênh hướng đi mới này vì trả chậm vẫn tốt hơn là nhận trái phiếu đặc biệt của VAMC. Thu được đồng nào bằng trả chậm là có thể hạch toán dứt điểm được đồng nợ đó, không phải trích lập dự phòng như đối với trái phiếu đặc biệt VAMC.

Hải Lý (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.