Có người cho rằng làm xi măng (XM) lãi lớn bởi chỉ cần khai thác các nguyên liệu như đá vôi, đất sét… mua than đá, pha phụ gia, thạch cao, qua các công đoạn khác nhau của quy trình sản xuất như nghiền, nung, phân giải… là bán hái ra tiền! Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư sản xuất XM không dễ.

“Đào” mỏ ra tiền?

Theo Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm XM ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và Quyết định điều chỉnh, bổ sung số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 có 82 dự án XM được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, hơn 20 dự án chuyển đổi từ XM lò đứng sang lò quay. Quy hoạch đã xác định vùng nguyên liệu để thăm dò, khai thác phục vụ nguyên liệu cho từng dự án.

Khi cấp phép xây dựng nhà máy XM đồng thời DN sẽ được cấp mỏ đá, sét làm nguyên liệu cho sản xuất XM. Vì vậy, lợi thế về mỏ khiến nhiều người cho rằng làm XM lãi lớn, chỉ cần khai thác mỏ đá, sét, thêm phụ gia, qua các công đoạn khác nhau của quy trình sản xuất là bán ra tiền.

Nhưng đó là cái nhìn của người ngoài cuộc, còn người trong cuộc thì sao? Là người có vài chục năm lăn lộn với nghề XM, giờ là Chủ tịch HĐTV TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), ông Lương Quang Khải khẳng định: Nếu nói ngành XM là ngành có lợi nhuận cao thì không đúng. Chỉ những đơn vị có tiềm năng về kỹ thuật, có hệ thống phân phối, hệ thống tài chính vững, hệ thống logistic thương hiệu thì mới mang lại lợi nhuận, chứ không thể nói cao được. Còn những DN nhỏ lẻ, hệ thống phân phối không có, tiêu thụ nhiên liệu lớn thì lỗ là chắc…

Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam Nguyễn Quang Cung phân tích: Công nghệ sản xuất XM là công nghệ chế biến sâu chứ không phải khai thác mỏ là ra tiền. Bởi từ nguyên liệu đầu vào là sét, đá vôi, thêm thạch cao, phụ gia… qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau như nghiền, nung… và tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu điện than… thì mới cho ra sản phẩm.

Trả lời cho câu hỏi DN có lợi nhuận lớn khi kinh doanh XM, ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissan chia sẻ: Chúng tôi là DN mới, hiện chưa thể tính đến lợi nhuận, nhất là thời điểm này khi mà giá XM trong nước đang thấp nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á. Nếu Indonesia, giá XM đến tay người tiêu dùng là 140 - 160USD/ tấn, Lào là 200USD/tấn, Campuchia 140USD/tấn thì ở Việt Nam, miền Bắc chỉ từ 900 nghìn đồng - 1,1 triệu đồng/tấn, miền Nam 1,3 - 1,4 triệu đồng (khoảng 44 - 52USD/tấn) tuỳ thương hiệu.

Mua nhà máy XM để được mỏ?

Nhưng một câu hỏi đặt ra là DN nước ngoài mua lại nhà máy XM của Việt Nam vì ngành XM có lợi nhuận cao và vì được cấp mỏ? Theo ông Cung, họ mua vì nhìn thấy thị trường XM Việt Nam còn nhiều tiềm năng, sản xuất XM lãi không cao nhưng ổn định. Còn về mỏ, Nhà nước đã tiến tới tính đúng, tính đủ phần khoáng sản từ khi Luật Khoáng sản và Nghị định 203/NĐ - CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức có hiệu lực và số tiền mà DN phải nộp rất lớn.

Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, mỏ phải được đấu giá để khai thác. DN, cá nhân nào có đủ điều kiện vào đấu giá, trả giá cao hơn thì người đó được Nhà nước cấp mỏ, còn trường hợp không đấu giá và những trường hợp được cấp trước ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, phần trữ lượng còn lại phải đóng tiền cấp quyền khai thác mỏ.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với nhóm VLXD thông thường dùng cho san lấp (đất, cát, đá) là 5%; đối với than bùn và các loại VLXD thông thường còn lại là 4%; mức thu đối với đá ốp lát gốc; nhóm khoáng sản đá quý, đá bán quý, khoáng sản nước nóng, nước khoáng, khí CO2 và cát trắng, sét chịu lửa hoặc đá vôi, secpentin lần lượt là 1%; 2% và 3%...

Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp.

Như vậy, đầu tư XM không dễ. Để đầu tư hiệu quả trong ngành sản xuất này, buộc các DN phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, đầu tư bài bản ngay từ đầu, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, trình độ quản lý tốt thì mới có thể tồn tại, phát triển bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu đối với ngành sản xuất XM ngày càng cao.

Vũ Huyền (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.