03/12/2023 9:34 AM
Theo VIBM, vỏ các loại nhuyễn thể với thành phần hóa chủ yếu là CaO (hàm lượng trên 50%), tương tự đá vôi, hoàn toàn có thể được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sơn tường nội thất.

Tại hội thảo khoa học “Tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu - Hướng tới phát triển bền vững” do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng (VIBM) tổ chức mới đây, PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng VIBM cho biết, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo nghiên cứu công nghệ sử dụng vỏ hàu, vỏ sò làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Việc sử dụng các loại phế thải công nghiệp làm nguyên liệu nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Sản xuất sơn nước, vật liệu xây dựng từ vỏ các loài nhuyễn thể

VIBM cho biết, hiện nay tại nhiều địa phương ven biển như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên… xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng người dân xả thải vỏ nhuyễn thể cùng chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường mà không có biện pháp xử lý hoặc tái sử dụng.

Trong khi đó, vỏ nhuyễn thể với thành phần hóa chủ yếu là CaO (với hàm lượng trên 50%), tương tự đá vôi, hoàn toàn có thể được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo vôi.

Thành phần khoáng của vỏ hàu chủ yếu là khoáng canxit, trong khi các loại vỏ nhuyễn thể khác (vỏ ngao, ốc, sò) thành phần chủ yếu là khoáng aragonit.

Theo VIBM, vỏ hàu có cấu trúc dạng khối đặc, hình hộp thoi 3 phương, kích thước khoảng 10µm trong khi cấu trúc của các loại vỏ nhuyễn thể khác (aragonit) có dạng hình trực thoi với tinh thể hình kim giả lục giác, dạng xếp chồng nhau theo trật tự nhất định, kích thước lớp khoảng 1µm. Để phân hủy hoàn toàn, các vỏ nhuyễn thể cần nung ở 800 - 900 độ C.

Bên cạnh khả năng trở thành nguồn nguyên liệu chế tạo vôi, vỏ các loại nhuyễn thể cũng có nhiều tiềm năng được sử dụng để chế tạo sơn tường nội thất.

VIBM cho biết, khi sử dụng bột vỏ hàu thay thế bột đá vôi CaCO3 ở tỷ lệ từ 25%, 55%, các chỉ tiêu thử nghiệm của sơn đều đạt yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 8652:2020 sơn tường dạng nhũ tương cho sơn phủ nội thất và tương đương với mẫu đối chứng M0.

Tương tự, khi sử dụng bột vỏ hàu thay thế cao lanh ở các hàm lượng 25%, 50%, 75%, 100% trong thành phần sơn, đều nhận được sơn có tính chất như: độ nhớt của mẫu sơn có chứa vỏ hàu thay thế bột CaCO3 và bột cao lanh đều cao hơn so với mẫu đối chứng M0 - các mẫu thay thế tỷ lệ lớn hơn có độ nhớt cao, khó quét; mẫu sử dụng vỏ hàu đều có pH khá cao so với mẫu đối chứng, hàm lượng thay thế càng cao thì độ pH càng cao; thời gian khô của các mẫu sơn ngắn hơn so với mẫu đối chứng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao việc nghiên cứu sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu chế tạo vật liệu xây dựng. Cụ thể, vỏ nhuyễn thể có hàm lượng CaCO3 cao mà đá vôi không đạt được, hoàn toàn có thể nghiên cứu chế tạo loại vật liệu cao cấp hơn từ vỏ hàu, vỏ sò…

Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu chế tạo vật liệu xây dựng là một trong những hoạt động cần thiết nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.