Những bán tín bán nghi về số phận các dự án do Tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ/xí phần đã được giải đáp. Song song, kỳ vọng (hay ảo vọng) về “miền đất hứa” được nhiều đại gia địa ốc phô diễn được nhân lên.
Phong tỏa Thiên Thanh
Với đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, lãnh đạo Tp.Đà Nẵng đã ra quyết định không cho phép sang tên, chuyển nhượng tài sản (gồm đất đai, công trình, cổ phần…) của Tập đoàn Thiên Thanh được thực hiện trên địa bàn toàn thành phố.
Tiêu biểu: Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ trên nền sân vận động Chi Lăng, với tổng đầu tư trên 750 triệu USD; Dự án khách sạn Green Plaza (đường Bạch Đằng), được Thiên Thanh mua lại từ Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, với giá khoảng 350 tỷ đồng; Dự án xây dựng khu thương mại tại khu đất số 209 đường Trường Chinh (rộng 2,2ha, là đất quốc phòng, thuộc Trung đoàn 575 của Quân khu V quản lý, sau được phép chuyển đổi mục đích phát triển kinh tế - xã hội).
Tại Quảng Ngãi, dự án Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Thiên Thanh (huyện Sơn Tịnh) của Thiên Thanh cũng được Cơ quan Điều tra “để mắt” vì vắng vẻ như chùa bà Đanh lâu nay. Thậm chí, theo giới thạo tin, các BĐS cùng loại của Thiên Thanh nằm tại Tp.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sắp được… niêm phong.
Mường Thanh: chịu phạt vượt đèn đỏ
Sau nhiều tai tiếng ở địa bàn Hà thành với các lỗi cơ bản vi phạm pháp luật xây dựng, “Đại gia điếu cày” lại tiếp tục áp dụng chiêu “chém trước tâu sau”, liên quan tới dự án Khách sạn Mường Thanh Mũi Né (Tp.Phan Thiết).
“Bán cái” cho Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Đồng Ngân - chủ đầu tư, từng bị xử phạt 50 triệu đồng và đình chỉ thi công do xây vượt phép 3 tầng (GPXD là 4 tầng) thời điểm đầu tháng 7. Đến nay, sau khi “lỡ” xây tới 17 tầng, DN Mường Thanh được giới chức tỉnh Bình Thuận cân nhắc khả năng: phạt 1 tỷ đồng vì tái phạm nhiều lần, chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép để… tồn tại.
Lý do, theo Sở Xây dựng địa phương, khu vực công trình vi phạm được xây đến 17 tầng. Đồng thời, chủ đầu tư xây công trình khách sạn là phù hợp với mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án (!).
T&T bị thúc
Sau 20 năm với xuất phát điểm là kinh doanh, sản xuất sản phẩm điện tử, bàn tay của tập đoàn đa ngành này đã “chạm” tới hầu hết các mảng kinh doanh đóng góp tỷ trọng cực lớn vào nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, chỉ mới đây, tập đoàn của “bầu” Hiển lại bị UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư”, liên quan tới tiến độ dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (huyện Tĩnh Gia). Theo lãnh đạo tỉnh, việc triển khai dự án quá chậm so với tiến độ cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư và yêu cầu phía T&T khẩn trương hoàn thành việc lập dự án trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong tháng 9 này. Tỉnh cũng đề cập tới khả năng chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, nếu T&T không thực hiện được các yêu cầu nêu trên.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 51 triệu USD và sẽ được triển khai trong năm 2014, đích về là 2018. Tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã tạo điều kiện “hết mức” cho DN tự quy hoạch hạng mục kiến trúc bằng cách tạm dừng triển khai đoạn đê kè biển đi qua xã Tân Dân. Tài sản không thiếu, phải chăng T&T có quá nhiều kế hoạch hoành tráng thuộc đủ mảng ngành nghề nên “quên” mất dự án ở dải đất miền Trung này?
Những “kịch bản” mới
Sau thành công rực rỡ nhờ bài toán M&A, săn lùng các dự án BĐS “ngon - bổ - rẻ” (đã có chứng nhận đầu tư, giấy phép..), FLC của doanh nhân Trịnh Văn Quyết tiếp tục khẳng định thương hiệu bằng Giải thưởng Sao Đỏ mới đây.
Cụ thể hóa những vòng đàm phán với các tổ chức, quỹ đầu tư ngoại vài tháng trở lại đây, Tập đoàn này không ngừng củng cố sức mạnh nội tại bằng thành công trong việc phát hành thêm cổ phiếu và “nhăm nhe” vươn ra trường quốc tế.
Sau khi giới thạo “chứng” xuýt xoa về khả năng tăng giá/giao dịch siêu mạnh của mã FLC (nhờ lực mua vào 2,5 triệu đơn vị của khối ngoại), nhiều người đang căng mắt theo dõi biều giao dịch từng giây để nhanh tay click lệnh và hốt bạc.
Tuy nhiên, nhiều tiếng thở dài của nhà đầu tư “ôm” FLC đã phát đi vào cuối giờ chiều 4/9 khi giao dịch lình xình, thiếu “đột phá” không như kỳ vọng. Dẫu sao, cũng phải thừa nhận đó là thành công ban đầu trong kế hoạch tăng vốn để rót vào Phú Quốc của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Ở một trạng thái khác, Địa ốc Hoàng Quân phát hành 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỷ đồng) cho 3 đối tác “ruột”. Mục đích của số vốn này hoàn toàn dành cho… cấn trừ công nợ.
Nghi ngại về sức mạnh thực sự của DN Hoàng Quân vẫn tồn tại, bất chấp việc lãnh đạo công ty úp mở phương án tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Bởi lẽ, đầu tháng 8, Địa ốc Hoàng Quân đã thực hiện trọn vẹn việc xin chuyển đổi dự án chung cư cao cấp sang nhà ở xã hội (huyện Hóc Môn, Tp.HCM). Xa hơn nữa, là dự án HQC Plaza trước cũng đã từng được chuyển đổi từ dự án chung cư thành nhà ở xã hội…