Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định xử phạt 150 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Bitexco do huy động vốn mua bán nhà trái pháp luật. Lý do là Công ty Bitexco đã ký 97 hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán nhà với khách hàng khi chưa xây dựng xong phần móng đối với dự án khu nhà ở thương mại, tiểu khu đô thị số 2, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Vụ việc này đang gây xôn xao giới địa ốc bởi ít ai nghĩ một tập đoàn tầm vóc như Bitexco, sở hữu hàng loạt dự án đồ sộ trải từ Bắc chí Nam như Bitexco Finacial Tower, JW Mariott lại vướng vào sai phạm như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Bitexco dính bê bối. Tập đoàn này trước đó còn vướng vào loạt vụ việc như tự ý chuyển đổi chức năng của tầng hầm từ đỗ xe thành siêu thị thuộc dự án TTTM The Garden, chậm bàn giao sổ đỏ cho hàng trăm hộ dân cư của khu chung cư cao cấp The Manor&Villas Hà Nội, "bỏ quên" công tác bảo trì khu chung cư cao cấp The Mannor Hà Nội…
Mặc dù nổi tiếng với hàng loạt dự án đồ sộ, Bitexco cũng đang vướng vào hàng loạt bê bối
Điển hình là vào tháng 6/2011, hàng trăm hộ dân cư của khu chung cư cao cấp The Manor&Villas Hà Nội nhận được thông báo của chủ đầu tư Bitexco về việc nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại dự án này và sổ đỏ sẽ hoàn tất trong ba tháng, mức phí chủ đầu tư đưa ra là 0,5% giá trị căn nhà.
Mặc dù tính đến tháng 3/2014, Bitexco tiếp nhận gần 400 hồ sơ làm sổ đỏ nhưng phải đến tháng 5/2014, trong số hơn 100 hồ sơ được thu từ năm 2011 mới có 85 hộ dân được nhận sổ.
Ngoài những bê bối trên, Bitexco còn có nhiều dự án quy mô lên cả trăm triệu USD nhưng vẫn trong tình trạng chậm thi công hoặc chưa triển khai do nhiều lý do.
Điển hình như dự án The One trong Khu tứ giác Bến Thành, Bitexco đã tham gia đầu tư thực hiện dự án với số vốn trên 500 triệu USD. Mặc dù khởi công từ 2012 nhưng đến nay dự án mới thi công hầm. The One dự định phát triển thành một khu phức hợp có nhiều công trình như văn phòng, thương mại – dịch vụ, bệnh viện, trường học, khu giải trí… với quy mô lớn ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
Lý giải về việc chậm triển khai dự án, chủ đầu tư cho biết với khu tứ giác Bến Thành nếu quy hoạch thành khu phức hợp thì việc tái định cư tại chỗ cho người dân rất khó, nên dẫn đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư bị kéo dài.
Theo Tập đoàn Bitexco, với những khoản nợ của dự án The One doanh nghiệp này đã hoàn thiện hồ sơ đầy đủ cho khoản tín dụng 1.700 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ đã báo cáo trước đây. Bitexco cũng hoàn tất việc thanh toán khoảng nợ 16,1 tỷ đồng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó 8 tỷ là doanh nghiệp này nợ ban bồi thường quận 1, đây là khoản phí phục vụ bồi thường, còn với 8,1 tỷ là chi phí bồi thường bổ sung mới được quyết định cho Công ty CP Quê Hương.
Dự án The One HCM
Tương tự, với khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh, dự án này là khu thương mại, văn phòng và khu căn hộ cao cấp. Bitexco được giao đầu tư xây dựng năm 2006, cũng là vị trí đắc địa trên khu đất có hành lang giao thông thuận tiện của 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1. Trong đó, khu đô thị đa chức năng được xây dựng trên diện tích khoảng 600.000 m2, khu tái định cư khoảng 100.000 m2, khu bệnh viện Sài Gòn khoảng 36.000 m2.
Được biết, mặc dù Bitexco đã hoàn thiện hồ sơ liên quan đến công tác đền bù và đang đợi phương án đề bù từ Ban bồi thường Q.1 thế nhưng việc kinh doanh và sinh hoạt của nhiều hộ dân vẫn diễn ra bình thường.
Một góc khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh
Với dự án Khu đô thị sinh thái Thanh Đa – Bình Quới, Bitexco đã hoàn tất công tác thẩm định đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 vào tháng 4/2015 và được UBND TP.HCM phê duyệt vào hồi tháng 7/2015. Dự án có diện tích khoảng 426,93 ha, gồm 28 phường thuộc quận Bình Thạnh, chức năng chủ đạo của bán đảo này là khu công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí nhưng bổ sung “trung tâm tri thức và công nghệ mới”.
Tuy nhiên việc giải phóng mặt bằng vẫn là một thách thức lớn với nhà đầu tư, theo ước tính của UBND Q.Bình Thạnh, chi phí giải phóng mặt bằng có thể tới 3 tỷ USD.
Phối cảnh khu đô thị sinh thái Thanh Đa – Bình Quới (Nguồn: Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM)