30/04/2012 8:03 AM
Vàng và đất ai cũng thích. Nhưng nếu được hỏi thích cái nào hơn thì e lệ lắm!. E lệ vì nếu nói thích cả hai, mang tiếng tham, mà chọn một thì tiếc đứt ruột!. Vàng và đất là sản phẩm tinh thần, niềm khát khao hai trong một của hầu hết con người thời nay.

Nhưng khổ nỗi, phàm cái gì hiếm, quí trên mặt đất này giá trị đều thất thường. Bởi hiếm, quí hay không đều do con người bày đặt ra cả.

Lộ trình lên ngôi của vàng

Con người bắt đầu sử dụng vàng từ thời kỳ đồ đồng cách đây sáu nghìn năm. Nơi khác không biết nhưng dân Sài Gòn chỉ thật sự ham vàng cách đây bốn chục năm. Bằng chứng là thời ấy hầm vàng của ngân khố quốc gia Việt Nam cộng hòa ở bến Chương Dương chỉ trữ vài chục tấn. Giới thượng lưu chơi và thể hiện đẳng cấp bằng vila, đồn điền, xe hơi, kim cương và đô la, vàng chỉ dùng làm đồ trang sức hoặc là hình thức tích tụ vốn liếng của dân hạ lưu tỉnh lẻ và dân hai lúa miệt vườn .

Thời nào vàng cũng là một thế lực trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi giá trị cuộc sống. Có lẽ vàng vẫn giữ địa vị thống trị phổ biến hơn kim cương. Vì vàng có thể dát mỏng (một ounce bao phủ được ba mươi mét vuông ), vàng có thể kéo dài (một ounce kéo dài được tám trăm mét), vàng được ứng dụng trong y học, công nghệ máy tính... Vàng phù phép, đánh bóng quyền lực và giàu sang. Ngày xưa vua chúa ngự trên ngai vàng để thỏa mãn niềm kiêu hãnh là thiên tử, con trời . Ngày nay, người ta xây dựng những khách sạn dát vàng khổng lồ ở Đu-Bai, Bắc Kinh... , cũng là một cách lăng xê theo công nghệ mới cho các đại gia và các ngôi sao.

Nhưng vàng vẫn hiếm và quý cũng vì vàng chia ra sở hữu theo đầu người còn rất ít . Tính bình quân trên thế giới mỗi đầu người chỉ có hai mươi bốn gam, tương đương 0,8 ounce vàng, mà muốn có một ounce người ta phải đào đãi hai trăm năm mươi tấn đất đá từ mỏ.

Trên thế giới nước sử dụng vàng làm đồ trang sức nhiều nhất là Ấn Độ. Ở Việt Nam, nơi sử dụng vàng làm đồ trang sức nhiều nhất là Sài Gòn. Ngoài những trang sức được chế tác theo phong cách truyền thống như nhẫn, nụ, khuyên, dây chuyền, toòng teng... mốt hiện đại còn phát triển thêm nhiều kiểu lắc, vòng, hoa tai... Trên cơ thể, vàng ngụ cư nhiều nhất ở tay và cổ. Ngày xưa nơi thương trường người Sài Gòn không ham lướt sóng vàng. Vàng được xem là thứ của cải tạm yên giấc trong két sắt, trong đất... là bong ke phòng thủ cuối cùng của thời vận, của tuổi già.

Sau chiến tranh, ở các khu gia binh ven đô Sài Gòn người ta đào được cả những ăng-gô, thùng đạn chứa đầy vàng miếng. Dễ hiểu thôi, lương thiếu úy chưa tính thâm niên của quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ khoảng hai lăm ngàn một tháng, mà vàng bốn số chín chỉ có bốn ngàn đồng một lượng.

Từ khi Mỷ bãi bỏ định chế bản vị vàng,cùng với sự tăng trưởng kinh tế kiểu nhân bản vô tính của môt số quốc gia vàng cựa quậy trong những vỏ trứng tiền tệ mong manh dễ vỡ, chờ mọc cánh bay ra. Vàng có sóng ở Sài Gòn từ đầu thập kỳ 1980, nhưng chỉ lăn tăn chưa thể lướt bởi hệ thống bao cấp tầng tầng lớp lớp. Từ 1985,khi nền kinh tế Việt Nam với chính sách Giá - Lương -Tiền, Việt Nam đồng luôn ở trạng thái trượt tuyết, thì vàng chiếm vị trí ngôi vương trong mọi toan tính làm ăn, lỗ lãi của cư dân Sài Gòn.

Trước hào quang danh giá của vàng, đất Sài Gòn không chịu chấp nhận thất bại. Có bốn lý do làm cho đất Sài Gòn lúc bầy giờ còn lếp vế. Thứ nhất, theo Hiến pháp nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đất là loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Thứ hai, người Sài Gòn chưa kịp hoàn hồn sau cuộc cải tạo tư sản 1978. Thứ ba, làn sóng dân nhập cư Sài Gòn còn nhỏ, lẻ. Thứ tư, chỉ có người hộ khẩu Sài Gòn mới được giao dịch, chuyển nhượng đất hợp pháp.

Mà hộ khẩu Sài Gòn thời đó nếu ai đã từng chứng kiến mới thấy nó còn quý hơn cả vàng và đất. Một cái sổ hộ khẩu chỉ mấy trang giấy khổ mười lăm hai mươi nặng khoảng ba mươi gam luôn bìa nhưng giá gốc không dưới ba lượng vàng. Ba lượng vàng thời đó có thể mua ba nghìn mét vuông đất ven đô. Bởi vậy, giấc mơ hộ khẩu Sài Gòn, ngay cả với những người đã từng sống ở Sài Gòn cũng chỉ là những giấc mơ lêu lổng, hải hồ không nơi nương tựa trong những đêm hữu hạn đời thường!.

Dân Sài Gòn nói riêng và dân Nam Bộ nói chung, tích tụ đất như một thói quen bổn phận của cha ông để lại cho con cháu. Trước 1975, nội đô Sài Gòn còn hàng trăm héc ta đất dự trữ thuộc các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp. Đất được coi là hàng hóa mua bán tự do và được cấp chứng chỉ pháp lý gọi là bằng khoán.

Đơn vị tính đất đai ở Sài Gòn được tính bằng m2, công và mẫu. Mỗi công là một nghìn mét vuông. Mỗi mẫu là mười công. Giới thượng lưu Sài Gòn ham chơi biệt thự, xe hơi, kim cương... ít người chơi đất mà có chơi thì chơi đất thẳng cánh cò bay ở miền Tây Nam Bộ hoặc đất bạt ngàn ở đồi núi Tây Nguyên để làm trang trại lớn. Một vài trăm mét vuông đất ở ven đô Sài Gòn trước 1975 bạn bè có thể cho nhau mượn để tá túc thậm chí tình thương mến thương có thể tặng, cho nhau là chuyện nhỏ.

Ngôi vương mới của đất

Sau cuộc chiến hơn hai mươi năm giữa người và người từ 1954 đến 1975 thì vàng và đất vẫn bình yên bên nhau thêm hơn một thập kỷ. Vàng và đất ở Sài Gòn chỉ thực sự lăn tăn đưa đẩy từ đầu thập kỷ 1990. Đến năm 1992 thì cả hai mới chính thức thượng đài, so găng từng hiệp một.

Hiệp đầu tiên vào mùa xuân 1992. Có thể đây là cuộc nổi đậy chưa từng có của đất Sài Gòn trong thế kỷ hai mươi. Tỷ suất lợi nhuận từ buôn bán đất cũng chiếm kỷ lục trong lịch sử thương trường ba trăm năm của Sài Gòn Gia Định.

Đất lên giá từng giờ. Nhiều thương vụ về đất lãi ròng trên trăm phần trăm. Đất thắng thế so với vàng. Vàng bốn số chín trên dưới ba trăm ngàn một chỉ, suốt năm cũng chỉ tăng, giảm dưới mười phần trăm. Trong khi một mét vuông đất ở Bàu Cát, Tân Bình đầu năm 1992 khoảng hai chỉ đến giữa năm 1992 đã lên đến mười chỉ.

Vàng thường chỉ có hai loại, vàng ta 18 gara và vàng tây 24 gara, nhưng đất thì chia thành nhiều loại. Đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất nông thôn, đất đô thị, đất mặt tiền, đất trong hẻm, đất dấu đỏ, đất giấy tay... Sự tù mù của nhiều gương mặt đất như thế cùng với sự phân cấp thẩm quyền quản lý đất như thể lên đồng, làm cho giá đất múa may quay cuồng. Giá đất múa may quay cuồng đến độ vàng không kịp xoay xở, chấp nhận lấm lưng.

Hiệp đấu gần đây nhất giữa vàng và đất là từ giữa những năm 2010 đến nay. Ở đời cái gì đã định giá và mua bán được đều phải chấp nhận cuộc chơi mà theo cách nói của dân gian là "lên voi xuống chó". Hơi thô thiển một chút nhưng thật chí lí và đích đáng.

Cuộc chơi "lên voi xuống chó" của vàng và đất chưa đến hồi kết, nhưng ở hiệp đấu này, hiện giờ so với năm 1992, vàng đã thắng. Nói đúng hơn người Sài Gòn đang thua đau vì đất. Vỡ nợ, phá sản, tự tử, tâm thần... là kết quả của thói quen cứ buôn bán đất là có lãi suốt gần hai mươi năm qua. Người người buôn đất, nhà nhà buôn đất. Dày vốn thì quận Hai, quận Bảy, Phú Mỹ Hưng... Cò con thì Bình Chánh, Hoóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè... Hàng ngày những câu chuyện cổ tích về buôn bán đất cứ liên khúc kết thúc có hậu từ quán cà phê đến công sở, từ quán karaoke đến vũ trường. Giấc mơ phú quý từ đất cất cánh, cao mãi, xa mãi, lung linh bảy sắc cầu vồng cứ tưởng không bao giờ chạm đất.

Chưa biết dư nợ của các công ty kinh doanh có tư cách pháp nhân ở Sài Gòn chiếm bao nhiêu phần trăm số dư nợ hai trăm ngàn tỷ đồng của cả nước tính đến tháng ba năm 2012, nhưng số người buôn bán chui bằng nguồn vốn vay nóng từ vàng, từ vốn thế chấp ngân hàng ước tính hàng ngàn tỷ. Buôn đất bằng nguồn vay như thế, chỉ cần đứng giá, bán được bằng giá mua vào đã là lỗ. Khốn nỗi đất không như vàng, rẻ cũng chưa chắc đã bán được. Những cuộc lướt sóng ngoạn mục của dân buôn trường vốn trước đó đã làm biết bao kẻ buôn bán nghiệp dư thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào đang dài cổ thất thần trước thòng lọng nợ nần.

Câu chuyện về đất ở Sài Gòn không còn dài dòng, cổ tích nữa. Nó gói gọn trong những mẩu rao vặt trên báo, trên cột điện, trên tờ rơi... dù ghi hay không ghi, người đọc vẫn thấy dung nhan của chủ nhân, lo âu, thấp thỏm, hổn hển trong ba từ: cần bán gấp!

Tháng chín năm 2011, vàng ngấp nghé đỉnh hai ngàn USD một ounce, tương đương bốn triệu chín trăm ngàn một chỉ. Nếu vay vàng mua đất một năm trước đó, cứ một trăm cây, chưa tính lãi vay, trong trường hợp vận may bán được ngang giá, đã lỗ một tỷ rưỡi.

Ở đời, sự sung sướng đã được cổ phần hóa theo lý lẽ của cơ duyên tiền định. Mỗi cổ đông mới sinh ra đã được tạo hóa góp vốn phần điều lệ. Mệnh giá tuy có khác nhau, không ai cãi được, nhưng phần thụ hưởng trước hay sau, bảo toàn phát triển hay phung phí nợ nần là tùy thuộc vào cách hành xử của mỗi người.

Bạn đã hưởng khoái cảm trong trò chơi lướt sóng lúc trời yên biển lặng thì đương nhiên chẳng may giông bão cũng xin đừng than thở. Cuộc chơi lướt sóng vàng và đất cũng như vậy. Vàng và đất không có lỗi, vàng và đất không bao giờ là kẻ thù của nhau. Đất sinh ra vàng. Vàng làm đẹp thêm cho đất. Có lẽ không bao giờ con người biết được đúng giá của vàng và đất. Nhưng để biết thêm về thói đa mang danh lợi của người, có khi vàng và đất cũng giả vờ chết, giả vờ thắng, như thể hai bên đã diễn ra những cuộc chiến...!

Sài Gòn mùa hoa gạo 2012

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.