Ông Trầm Bê trao hoa tạm biệt ông Phạm Hữu Phú, đại diện của Eximbank giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank. Ảnh: Dũng Nguyễn
Cuộc tiến công Sacombank lần thứ nhất diễn ra âm thầm vào năm 2010, khi giá cổ phiếu Sacombank xuống thấp và một nhóm nhà đầu tư gom mua. Cuối năm 2011, lần lượt các cổ đông lớn lâu năm của Sacombank đều thoái vốn như Dragon Capital (6,6%), REE (3,92% ) và ANZ (9,61%).
Điểm đặc biệt trong cuộc tiến công này là vai trò dẫn dắt thuộc về Eximbank. Hồi tháng 2.2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, công bố nhóm nhà đầu tư mà Eximbank đại diện đã nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.
Kết quả sau đó là Hội đồng Quản trị Sacombank đã được bầu lại với sự xuất hiện của 8 thành viên mới, trong đó một nửa là người của Phương Nam.
Ông Phạm Hữu Phú, người của Eximbank, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, còn Phương Nam lại có đại diện nắm quyền điều hành là ông Phan Huy Khang. Một Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank dẫn đến hệ quả tất yếu là mối quan hệ hợp tác khắng khít giữa 2 ngân hàng.
Nhìn lại đầu năm 2013, thị trường đã rúng động trước thông tin về một cuộc hợp tác toàn diện giữa Sacombank với Eximbank, trong đó phần nhiều đồn đoán về vụ hợp nhất giữa 2 ngân hàng này trong thời gian tới. Lúc đó những tưởng cuộc thâu tóm Sacombank đã hạ màn và một ngân hàng tư nhân khổng lồ sẽ ra đời.
Tuy nhiên, đầu năm 2014, nhóm nhà đầu tư lớn ở Sacombank lại tiếp tục gây bất ngờ khi lên tiếng sáp nhập với Phương Nam. Ông Phú rút khỏi Hội đồng Quản trị Sacombank và thông tin Eximbank rút vốn cũng bắt đầu xuất hiện. Nếu Eximbank rút vốn, kế hoạch về chung một nhà với Sacombank trước đây sẽ như thế nào?
Những thắc mắc chưa có lời giải này là lý do kỳ đại hội cổ đông năm 2014 của Sacombank đã được dự đoán sẽ rất nóng. Trên thực tế, các cổ đông nhỏ đã phản ứng gay gắt về việc sáp nhập với Phương Nam, một ngân hàng nhỏ hơn. Dù phản đối chiếm đa số, nhưng chủ trương sáp nhập vẫn được thông qua với tỉ lệ đồng ý lên đến 97%. Về lý do sáp nhập, ông Kiều Hữu Dũng, tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, cho biết: “Đó là để tăng quy mô và tăng sức mạnh của Sacombank và Phương Nam hiện giờ là phù hợp”.
Nếu vì lý do này, tại sao lại không sáp nhập với Eximbank, khi thương vụ này sẽ tạo ra một ngân hàng mạnh và lớn hơn gấp nhiều lần so với sự kết hợp giữa Sacombank với Phương Nam?
Quy mô tài sản sau sáp nhập, nếu có, của Sacombank và Eximbank sẽ vào khoảng 330.000 tỉ đồng, lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân, bám sát Vietcombank ngân hàng có quy mô tài sản thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước với 467.000 tỉ đồng. Nghĩa là khối ngân hàng tư nhân đã rút ngắn đáng kể khoảng cách với khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Có điều, mọi thương vụ sáp nhập đều cần được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết chủ trương sáp nhập Sacombank với Phương Nam là hợp lý và được cơ quan quản lý ngân hàng ủng hộ. Còn đối với thương vụ Sacombank và Eximbank thì từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa hề lên tiếng.
Việc tạo ra một ngân hàng tư nhân lớn nhất từ trước đến nay cũng có rủi ro. Đó là rủi ro về hệ thống vì đặc thù hoạt động theo kiểu dây chuyền của ngành tài chính. Ngân hàng càng lớn, rủi ro và chi phí xử lý rủi ro sẽ càng tăng cao. Mặt khác, quyền lực của bộ 3 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank và BIDV) cũng phần nào sẽ bị ảnh hưởng.
Kết thúc Đại hội cổ đông của Sacombank, cả Hội đồng Quản trị đều xuống tặng hoa và chụp hình lưu niệm cùng ông Phạm Hữu Phú. Người trao hoa cho ông Phú là ông Trầm Bê, với lời cảm ơn và ghi nhận đóng góp của ông Phú đối với hoạt động của Sacombank trong 2 năm vừa qua.
Trước Đại hội cổ đông vài ngày, theo một bản tin của Công ty Chứng khoán ACB, Eximbank cũng có thể rút vốn khỏi Sacombank. Nếu việc này thành hiện thực, hình ảnh cảm ơn này sẽ giống như lời chia tay của Sacombank với nhóm cổ đông Eximbank mà ông Phú là người đại diện.
Trước đây, trả lời báo giới về chiến lược của Eximbank khi mua cổ phiếu Sacombank, ông Lê Hùng Dũng cho biết có 2 phương án. Một là đầu tư tài chính thuần túy và hai là hướng đến khả năng hợp nhất 2 ngân hàng. Vì vậy, nếu việc rút vốn của Eximbank diễn ra thì có lẽ cũng nằm trong dự tính của Hội đồng Quản trị Eximbank.
Tuy vậy, động thái rút vốn, nếu có, của Eximbank, không được giới tài chính đánh giá cao vì việc ở lại Sacombank sẽ có lợi hơn về nhiều thứ, kể cả tài chính.
Khi mới vào Sacombank, điều ông Dũng lo ngại là khả năng quản trị của ban điều hành cũ khi kết quả hoạt động của Sacombank còn nhiều chỗ đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, sau 2 năm tái cấu trúc, kết quả kinh doanh năm 2013 của Sacombank được xem là tốt nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân. Vậy tại sao Eximbank không ở lại tận hưởng thành quả?.