26/03/2012 3:28 PM
Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đang tiếp tục có nhiều biểu hiện trục trặc cả về bên ngoài lẫn bên trong. Đó là căng thẳng thanh khoản, cạnh tranh lãi suất, lách trần lãi suất... Nguyên nhân chính là do tín dụng ngân hàng trong thời gian qua phát triển quá nhanh, "vốn ảo” của ngân hàng quá lớn.
 Rầm rộ các “chiêu” lách trần lãi suất "Kỹ nghệ” lách trần

"Kỹ nghệ” lách trần của các ngân hàng rất tinh vi. Sổ tiết kiệm ghi lãi suất niêm yết, người gửi nhận luôn lãi suất chênh mà không phải ký nhận bất cứ một văn bản, chứng từ nào. Mỗi ngân hàng có một cách hợp thức hóa khoản chi phí vượt trần khác nhau: nơi cho vào kinh phí quảng cáo, có nơi cho vào thi đua tuyên truyền...

Mới đây, ngân hàng Đông Á lại áp dụng một hình thức khuyến mãi mới. Từ ngày 22-3-2012 đến ngày 29-4-2012, chương trình "Tích lũy An Tâm - Cả nhà trúng lớn” sẽ được DongA Bank triển khai trên toàn hệ thống, áp dụng cho khách hàng gửi VND hoặc USD. Tham gia chương trình, khách hàng sẽ được tặng ngay các quà tặng thiết thực như nón bảo hiểm, áo mưa. Ngoài ra khách hàng còn được tham gia quay số trúng thưởng cuối kỳ với các giải thưởng hấp dẫn như: Mercedes C200 2012, tủ lạnh, máy lạnh...


Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng nhộn nhịp triển khai chương trình khuyến mại mới mang tên: "Sinh nhật SeABank, cào nhanh trúng lớn”. Theo đó khi gửi tiền khách hàng sẽ nhận được một thẻ cào may mắn để nhận ngay quà tặng bằng tiền mặt tương ứng với giá trị giải thưởng ghi trên thẻ cào của khách hàng


Về bản chất, các chương trình khuyến mại, tặng quà, quay số... dù là hình thức mới hay cũ... chính là một cách "lách” luật, đẩy lãi suất huy động vượt trần. Hầu hết các ngân hàng hiện nay không kể lớn hay nhỏ đều tung ra các chiêu khuyến mãi. Bởi từ khi NHNN mạnh tay kiềm chế cuộc đua lãi suất, áp lãi suất, trần huy động không được vượt 13%/năm thì khuyến mại "khủng” luôn là cách các ngân hàng lựa chọn để hút người gửi tiền.


Kín đáo nhưng hiệu quả hơn hình thức khuyến mãi, một số NHTMCP có cách lách trần "kép”. Ví dụ như Ngân hàng Việt Á, lãi suất kỳ hạn 1-6 ngày đồng loạt bằng 5%/năm, nhưng rút từ ngày thứ bảy trở lên người gửi mới được hưởng 100% lãi suất. Tại Eximbank, nếu số dư cuối ngày dưới 20 triệu đồng lãi suất là 3,6%/năm, số dư từ 20 triệu đồng trở lên lãi suất là 5%/năm. Ngân hàng An Bình cũng áp dụng chương trình "Tiết kiệm VND kỳ hạn một ngày” với lãi suất 5% nếu khách hàng gửi 500 triệu đồng trở lên.


Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn mời gọi khách hàng bằng cách lấy lãi ngay từ ngày đầu làm sổ. Riêng với lãi suất một tuần, hai tuần, hầu hết các ngân hàng thương mại đang huy động kịch trần là 5%/năm.


Rõ ràng, tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn sẽ có lợi hơn dài hạn. Cụ thể, với kỳ hạn một ngày, khách hàng được hưởng lãi suất là 5%. Nhưng ngày thứ hai, khách hàng lại được tính như ngày đầu cũng là 5%. Với lãi kép này, tính đến cuối tháng lãi suất của người gửi sẽ được nhận vượt quá trần 13% theo quy định.


Câu chuyện huy động vốn của các NHTMCP đã được các chuyên gia dự báo gặp khó khăn cho đến hết nửa đầu năm 2012. Nay nó lại còn khó hơn khi lãi suất trần đồng loạt hạ 1%. Lách luật tìm vốn do vậy cũng dễ phần hình dung.


Cấp độ ngày càngnguy hiểm


Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc lách trần lãi suất đang tái diễn lại đúng thời điểm tháng 9 năm 2011. Tuy nhiên, thời điểm đó các NH đua nhau mặc cả lãi suất với khách hàng đẩy lãi suất lên cao nhằm cạnh tranh hút vốn còn nay thay mặc cả bằng "khuyến mãi”, "đáo hạn kép”.


Câu chuyện lách trần lãi suất thời điểm này còn được khẳng định mang cấp độ nguy hiểm hơn, NH biết mánh khóe của nhau nhưng không "tố” nhau. Các NH không thực hiện nhiệm vụ giám sát chéo lẫn nhau để hoàn thiện chính sách của NHNN mà bao che, hùa nhau cùng khuyến mãi.


Vị chuyên gia này còn cho biết, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 được công bố tăng 0,16% so với tháng 2, và tăng 15,95% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái có nghĩa là người dân gửi tiền vào NH lãi suất 13%/năm vẫn sẽ thiệt. Những tính toán này cũng đã được NH dự trù trước, do vậy, để tăng hấp dẫn cho người gửi tiền, các NH buộc phải đưa ra thủ thuật. Chi phí khuyến mãi, chi phí tặng quà được cộng vào chi phí vốn đẩy lãi suất lên. Dù là NH lớn hay NH nhỏ, họ cũng sẽ không chịu thua nhau, tung ra các chiêu khuyến mại để hút vốn về mình.


Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Thành Tự Anh lại phân tích, những biểu hiện lách trần lãi suất hay cạnh tranh lãi suất chỉ là những trục trặc bên ngoài của hệ thống NH hiện nay. Nguyên nhân chính là do "vốn ảo” tại các NH quá lớn. Các NH muốn đủ điều kiện tăng vốn điều lệ từ 2000 tỷ lên 3000 tỷ, rồi 3500 tỷ đã buộc phải đi vay của nhau. Bảng tổng kết tài sản của một số ngân hàng phồng lên nhưng không thực chất. Ngoài ra các kênh huy động vốn truyền thống cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây, việc cấp phép mở chi nhánh cho các NHTM gần như xin gì được nấy, nay đã khác. Từ đầu năm 2011, đề nghị xin mở chi nhánh của các ngân hàng được cân nhắc nhiều hơn.


TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, từ lâu trần lãi suất 14% hay 13% cũng chỉ là một giải pháp có tính mệnh lệnh hành chính. Do vậy thời gian tới, thay vì việc NHNN cố gắng kiểm soát đầu vào thì nên quản chặt đầu ra. Một mặt NH tìm được vốn cho mình, mà các doanh nghiệp khi đi vay tiền cũng sẽ dễ chịu hơn
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.