09/09/2019 8:26 PM
CafeLand - Một trong những điểm đáng chú ý trong Nghị quyết số 50 NQ/TW về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến 2030 là yêu cầu rà soát lại các dự án FDI, cả các dự án đã mua bán, sáp nhập để tránh tình trạng núp bóng, gian lận.

Chuyển từ “lượng” sang “chất”

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”. Nghị quyết đưa ra những định hướng, chủ trương về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.

Đặc biệt, nghị quyết đã sử dụng chữ “hợp tác” chứ không phải thu hút và sử dụng, qua đó thể hiện sự bình đẳng và chủ động trong làm việc với các đối tác nước ngoài, và đề cao hơn trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

Nghị quyết 50 định hướng lại dòng vốn FDI đến năm 2030

Điểm nhấn trong nghị quyết là chào mời những nhà đầu tư nước ngoài chân chính, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về công nghệ, lao động, lan toả… Trong đó, vốn không còn là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là phải loại bỏ những nhà đầu tư núp bóng nhằm né thuế, chuyển giá…

Qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, FDI đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng để lộ nhiều hạn chế như: hiệu quả chưa tương xứng với số lượng vốn đầu tư, đầu tư FDI không kết nối được với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, còn có hiện tượng chèn lấn khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Theo thống kê, số doanh nghiệp FDI liên doanh với doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 2 trong 10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Trong các doanh nghiệp FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại.

Với thực tế nêu trên, Nghị quyết 50 yêu cầu thu hút FDI trong thời gian tới cần đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước, coi đó là một yêu cầu rất bắt buộc. Ngoài ra, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, mua hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.

Nghị quyết 50 có nhiều ràng buộc quan trọng về thu hút FDI với mục tiêu giải ngân vốn cao hơn trước. Yêu cầu này xuất phát từ tình trạng đăng ký vốn ảo hiện nay của nhiều dự án FDI.

Thực tế, vốn giải ngân của khu vực FDI hiện nay chỉ chiếm khoảng 56% vốn đăng ký, nghĩa là trong 350 tỉ USD đã được đăng ký đầu tư vào Việt Nam thì mới có khoảng 180 tỉ USD đã được giải ngân.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình trạng giải ngân vốn chậm là do nhiều dự án rơi vào độ trễ về đầu tư xây dựng, nhưng nhiều dự án có vốn ảo, đăng ký lớn nhưng thực hiện nhỏ, đặc biệt là những dự án bất động sản.

Tránh tình trạng núp bóng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc rà soát không chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án mới mà còn cả những trường hợp mua bán lại cổ phần, cổ phiếu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Ông Lộc cho rằng, hiện nay phát sinh nhiều vấn đề do pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng nên có tình trạng núp bóng, người nước ngoài mạo danh người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp của Việt Nam để tránh việc thành lập các dự án mới, thậm chí vào những vùng an ninh quốc phòng.

Về yêu cầu kết nối với doanh nghiệp Việt, ông Lộc cho biết, một trong những bài toán khó của các nhà đầu tư nước ngoài là không tìm được đối tác ở trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng mà phải mua ở nước ngoài với chi phí vận tải cao.

Ông Lộc đề xuất, “chúng ta cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế doanh nghiệp nước ngoài về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... chứ không phải do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống”.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp FDI chỉ nên được ưu đãi với phần giá trị gia tăng được làm trên đất nước Việt Nam, ưu đãi với phần có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, về khoa học công nghệ... Còn với các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu rồi gia công xuất khẩu đi thì cần phải xem xét lại có được ưu đãi hay không.

Ông Lộc cũng cho rằng, nên đối xử công bằng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt Nam yếu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, đã thế lại không được ưu đãi, trong khi doanh nghiệp FDI có đầy đủ tất cả lại được hưởng thụ ưu đãi.

Với doanh nghiệp Việt mong muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ông Lộc cho rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sắp tới nên có những sửa đổi để làm sao thúc đẩy được doanh nghiệp trong nước phải chủ động. “Bởi hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần”, ông Lộc nói.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.