13/01/2018 9:21 AM
Một nghịch lý trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam là đường mới càng được xây dựng, mở rộng nhiều, thì nhà "siêu mỏng, siêu méo" mọc càng lắm.

Đi thẳng vào lộ trình, phương án xử lý dứt điểm các trường hợp nhà sai phép “mỏng, méo”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết “sẽ tham mưu, giải quyết dứt điểm vào quý I/2018”. Đây được xem như thông điệp mạnh mẽ sẽ lập lại kỷ cương đô thị của Hà Nội khi kiên quyết “trảm” các dạng nhà kỳ dị.

196 trường hợp chờ xóa sổ

Đánh giá tình hình công tác thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, ngoài 132 công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn tại cũ (trước năm 2005), 56 trường hợp tồn tại ở giai đoạn 2014 - 2016, năm 2017 khi thi công tuyến Vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, phát sinh 8 trường hợp mới.

Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Tố Hữu. Ảnh: Quỳnh Anh

Thực tế, tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" vốn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Ghi nhận, tại đường Vành đai 1 (đoạn từ ô Đông Mác đến đê Nguyễn Khoái), đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy), phóng viên bắt gặp không ít ngôi nhà dị dạng “đầu thừa, đuôi thẹo”. Đặc biệt, tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), số nhà 66 chỉ có diện tích gần 20m2, hình tam giác, cao 2 tầng nhưng đang tiếp tục cải tạo sửa chữa, xây thêm tum thang.

Bà Hoàng Hoài Loan - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) cho biết, căn nhà này còn lại sau GPMB thực hiện Dự án xây dựng đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng với diện tích 17,4m2. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Đống Đa đã yêu cầu chủ công trình hợp thửa, hợp khối để bảo đảm mỹ quan đô thị. Hộ gia đình này đã có đơn đề nghị xác nhận việc hợp khối với gia đình bên cạnh (với diện tích còn lại là 28,7m2), tuy nhiên, đến nay việc hợp khối vẫn chưa được thực hiện.

Thực tế triển khai tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ hợp khối thành công chỉ ở mức 30 - 40%. Mặc dù chính quyền, chủ đầu tư và hộ liền kề có thuyết phục “gẫy lưỡi”, nhiều chủ sử dụng đất dạng "siêu mỏng, siêu méo" vẫn kiên quyết “ôm” đất hoặc đưa ra giá trên trời (hàng tỷ đồng cho 5 - 7m2 đất) như... thách đố đối tác.

Nêu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân cốt lõi là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau GPMB, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng.

“Hiện nay, khi làm đường, chúng ta chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đỏ, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, lại méo nên người dân muốn bán cũng không dễ. Đồng thời, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất "mỏng, méo" đằng trước và chủ nhà đằng sau, dẫn đến khó khăn cho việc hợp thửa, hợp khối” - ông Phạm Sỹ Liêm phân tích thêm.

Không thể cắt phần "ngọn"?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng việc tồn tại nhà "siêu mỏng, siêu méo" là bởi đang vận hành quy trình ngược: Chống hơn phòng. Một khi còn chạy theo giải quyết từng trường hợp thì khó có thể nắm bắt chứ đừng nói tới kiểm soát chúng. Nhất là khi nhà “siêu mỏng” đã thành hình, người dân ổn định sinh sống. Mấu chốt quan trọng là cách làm, “cầm đằng chuôi” ngay từ khâu đầu tiên”. “Tôi thường có thói quen nhìn vào các tuyến đường mới để đánh giá năng lực lãnh đạo chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát các công trình “mỏng, méo”. Đơn giản, lãnh đạo sở tại xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó. Chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào thì phải chịu trách nhiệm” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ bình luận.

Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia quy hoạch – đô thị khác cũng khẳng định, đối với công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã “án binh bất động” nhiều năm nay cần có hướng giải quyết dứt điểm, không thể giải quyết theo kiểu cắt phần “ngọn”. Định hướng rõ hơn về tiến độ thực hiện, tại hội nghị tổng kết công tác này mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhấn mạnh: Sở phấn đấu trong quý I/2018 sẽ tham mưu cho TP kiên quyết xử lý dứt điểm nhà "siêu mỏng, siêu méo".

Ông Lê Văn Dục cho biết, đối với 132 trường hợp tồn đọng cũ, Sở Xây dựng đang xây dựng và đề xuất phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo".

Với trường hợp có diện tích từ 10 - 15m2, quy mô từ 2 tầng và trên cùng một tuyến ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề, (chỉnh trang hợp khối kiến trúc) hoặc cấp phép có điều kiện. Riêng nhà lớn hơn 4m2, nhỏ hơn 10m2, quy mô 3 tầng: hạ độ cao còn 1 tầng. Trường hợp diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2, hiện trạng là nhà 1 tầng: Cho chỉnh trang giữ nguyên trạng tạm thời. Còn các căn hộ “mỏng, méo” dưới 4m2: Xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng.

Để triệt tiêu nhà "siêu mỏng, siêu méo", rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, cần tính toán kỹ khi lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên các tuyến đường mới mở. Và để làm được điều này, trước tiên, cần thành lập quỹ GPMB và quỹ tái định cư từ sớm. Đặc biệt, phải chú ý bảo đảm quyền lợi của người dân.

"Đối với 56 trường hợp tồn tại ở giai đoạn 2014 - 2016 (Kim Mã - Trần Phú, Vành đai 1; 2; 2,5; Thanh Nhàn; Nguyễn Văn Huyên...) sẽ giao trách nhiệm cho Chủ tịch quận, huyện xử lý. Riêng 8 trường hợp phát sinh trong năm 2017 thuộc Vành đai 3, kiên quyết đề xuất thu hồi, dỡ bỏ công trình, không để phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục

Gia Tuấn (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.