Rất nhiều cuộc họp bàn về vấn đề tháo gỡ và phát triển BĐS đã được tổ chức, nhưng thực tế, tính từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 12/11/2012 cho đến cuộc họp của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về BĐS ngày 24/1/2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn không dám hứa sẽ đưa ra kết quả cụ thể cho năm 2013, 2014, còn những bàn luận, ý kiến đóng góp và tình hình BĐS vẫn chưa có gì mới và chuyển biến.
Từ tháng 11/2012…
Ngày 12/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình hình thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của tình trạng thị trường bất động sản đóng băng là do quá trình phát triển các dự án mang tính tự phát, theo phong trào, không tuân thủ theo quy hoạch dẫn đến cung lớn hơn cầu, nhất là sản phẩm bất động sản giá cao, và vốn của bất động sản chủ yếu là vốn vay nhưng khi siết chặt tín dụng thì dẫn đến tình trạng đóng băng.
Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng không thể hứa khi nào sẽ giải quyết hết khó khăn cho thị trường bất động sản mà chỉ biết khi nào kinh tế khởi sắc thì thị trường bất động sản sẽ ấm lên, và đề nghị các bộ, ngành cùng vào cuộc…
Đã 3 tháng trôi qua kể từ phiên họp thứ 4 của Quốc hội, cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có gì mới
Mặt khác, trong buổi làm việc với Hiệp hội bất động sản TP.HCM diễn ra ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã đánh giá thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, cần phải tháo gỡ.
Đồng thời, Bộ trưởng Dũng cũng đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là sẽ thống kê tổng số căn hộ, số tồn đọng cân đối với lộ trình phát triển kinh tế xã hội, dân số từng địa phương sau đó quyết định cho điều chỉnh công năng thành nhà ở xã hội một số dự án.
Ngoài ra, một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, là chuyển dự án nhà ở có diện tích lớn thành nhà có diện tích nhỏ song vẫn phải đảm bảo doanh nghiệp không lỗ, người dân có thể chấp nhận được mức giá.
Đến 3 tháng sau...
Gần 3 tháng kể từ khi Quốc hội họp phiên thứ 4, đến ngày 24/1/2013, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp tục tổ chức cuộc họp bàn về tình trạng và cách tháo gỡ thị trường BĐS. Điều đáng nói là các cụm từ: “giải cứu BĐS”, “tháo gỡ BĐS”… được nhắc đi nhắc lại, nhưng thực tế, các giải pháp, kết quả cho BĐS năm 2013,2014 vẫn không có gì mới mẻ so với 3 tháng trước.
Đề tài thảo luận: vì sao phải giải cứu BĐS? Giải cứu như thế nào? Vẫn được các đại biểu đem ra tranh luận. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn hơn một lần khẳng định, tháo gỡ BĐS là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Bộ trưởng Dũng đề xuất cũng không có gì mới mẻ so với 3 tháng trước đây: phải chia nhỏ căn hộ, hướng tới đối tượng người nghèo bằng chính sách nhà ở xã hội, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở…
“Chúng ta còn nghèo nên phải đi chậm với những giải pháp phù hợp… Giải pháp chúng tôi đưa ra đủ mạnh chưa? Tôi xin trả lời, chúng tôi muốn mạnh hơn nữa và tất nhiên, phải hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Phân khúc nhà ở sẽ ấm lên, thị trường bất động sản sẽ bớt khó khăn chứ chưa vượt qua được khó khăn ngay” – Bộ trưởng Dũng phân trần.
Ở cuối phiên giải trình khi đại biểu đặt vấn đề: Đưa ra giải pháp, vậy kết quả 2013 là gì và 2014 là gì? Đưa chung chung thế này thì cuối năm đánh giá không biết sẽ căn cứ vào đâu? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời: “Kết quả thì rất khó nói, phải làm mới biết được, nhưng tôi khẳng định là sẽ cố gắng người nghèo sẽ có nhà để ở, cùng với sự phục hồi nền kinh tế thì thị trường sẽ được tháo gỡ khó khăn”.
Như vậy, trong buổi trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp thứ 4 (11/2012), Bộ trưởng Dũng cũng không thể hứa khi nào sẽ giải quyết hết khó khăn cho thị trường bất động sản. Và đến cuộc họp ngày 24/1, Bộ trưởng cũng không thể đưa ra một kết quả cụ thể cho BĐS năm 2013, 2014.
Bên cạnh đó, trong buổi làm việc với Hiệp hội bất động sản TP.HCM (trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội) Bộ trưởng Dũng đã từng đề cập sẽ thống kê tổng số căn hộ, số tồn đọng cân đối với lộ trình phát triển kinh tế xã hội, nhưng thực tế, cho đến cuộc họp bàn về cách tháo gỡ BĐS vào ngày 24/1, các số liệu về tồn kho BĐS vẫn loạn lên và chưa có được một báo cáo về số liệu chính xác nhất.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho các dự án phát triển nhà ở khoảng 42.250 căn nhà, 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.400 m2 trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền, 1,9 triệu m2 đất thương mại. Bộ Xây dựng ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo quý IV/2012 của Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, TP HCM; Hà Nội lần lượt có tới hơn 28.000 và 20.500 căn hộ đã chào bán trên thị trường nhưng chưa có chủ sở hữu và phải mất 4-5 năm nữa mới có thể vượt qua tình trạng thừa cung…
80% doanh nghiệp BĐS đang có lãi, sao phải cứu? Trong báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2012 cho thấy, 42.197 doanh nghiệp (năm 2011 là 33.362 doanh nghiệp) kinh doanh có lãi, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp hiện đang hoạt động... |