Theo đề án Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, mục đích của Quỹ Tiết kiệm nhà ở nhằm giúp người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nhu cầu “lệch” thu nhập
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 150 triệu m2, tương đương với nguồn vốn khoảng 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Nhu cầu nhà ở tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn của quỹ theo như đề án sẽ được hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (bao gồm tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, ngân sách địa phương); lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết... Ngoài nguồn vốn này thì Quỹ hoạt động dựa trên sự tự nguyện của người có thu nhập từ tiền lương với mức đóng góp trích 1% tiền lương tháng.
Nguồn “tiếp quỹ” này theo các chuyên gia sẽ khiến cho Quỹ rất khó hoạt động nếu quỹ “tự nguyện” đúng nghĩa. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng giá nhà quá cao, nếu tích lũy bằng tiết kiệm hàng tháng của những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thì không đủ về nguồn vốn.
Một số chuyên gia lo ngại việc ra đời Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ làm méo mó thị trường, tạo cơ chế xin cho! Ảnh: Như Ý.
Mặt khác, để được vay tiền từ quỹ này, cá nhân, hộ gia đình phải đóng ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến để mua, thuê nhà ở, với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm và lãi suất trả nợ 6,5 - 8,5%/năm. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, điều này là phi thực tế. “Lãi suất có thể tăng, giảm theo từng thời kỳ, và tham gia thời gian quá lâu mới được vay tiền từ quỹ sẽ khiến người mơ có nhà cũng oải”, ông Kiêm nói.
Chưa kịp mừng đã vội lo
Bên cạnh những lo ngại về nguồn vốn của Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ “khó vững”, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho biết việc lập ra Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ tạo ra cơ chế phi thị trường. “Khi những công ty làm dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp ngoài chuyện được vay tiền từ Quỹ này, sẽ còn nhiều vấn đề khác như đề xuất giảm thuế, bán dưới giá thị trường và hàng loạt chuyện khác vướng vào cơ chế…”. Tiếp theo đó, quỹ sẽ được phép giao cho một dự án, được phép cấp cho dự án đó, lúc đó thị trường sẽ không tránh khỏi việc xin - cho, và thị trường càng không lành mạnh… Với những “ưu đãi” đi kèm khi Quỹ Tiết kiệm nhà ở ra đời, giá bất động sản lại càng tăng lên, và… người có thu nhập thấp, trung bình lại càng khó vươn tới việc sở hữu nhà. Vì thế, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, không nên ảo tưởng về một cơ chế và một Quỹ có thể giải quyết bài toán mua nhà của người có thu nhập thấp nếu Chính phủ không bỏ một số tiền lớn vào đây.
Theo đó, ông Đinh Thế Hiển đề xuất nên đưa chính sách mua nhà này vào chính sách về cải tiến tiền lương. “Nếu tái cấu trúc tiền lương hợp lý, đưa nhu cầu mua nhà trực tiếp vào tiền lương thì sẽ không bị méo cơ chế về nhà ở. Mặt khác, phát triển tốt thị trường bất động sản để không có chuyện nâng giá bất động sản, người mua nhà không mong sỡ hữu nhà để tăng giá, và người có thu nhập thấp sẽ thuê nhà thay vì mua nhà thì sẽ hay hơn việc lập quỹ này”, ông Hiển nhìn nhận.
Ngoài những lo ngại nói trên, ông Cao Sỹ Kiêm còn lo phát sinh những tiêu cực trong quản lý quỹ. “Người nào được ưu tiên vay trước, đối tượng là như thế nào. Chúng ta đã chẳng từng thấy Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM có những sai phạm trong quản lý. Nếu không rõ ràng cơ chế ngay từ đầu thì sẽ khó đạt được mục đích”, ông Kiêm nói.
“Tôi không rõ việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở mang tính xã hội hay thị trường, nhưng thực tiễn mình đã làm từ thời bao cấp. Lúc đó, mình có quỹ đất lớn, trong khi đó nhu cầu ít, cán bộ ít thế mà vẫn không “bao” được nhà ở cho người dân, nay lập quỹ này vẫn chỉ là cách cũ thôi…” (Chuyên gia Đinh Thế Hiển). |