12/12/2016 8:07 AM
Ngày 11/12, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố cho biết, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ để công an điều tra sai phạm của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Khu đô thị Nam Trung Yên (ảnh lớn); Từng mảng vữa tường lớn của tòa nhà B11C khu đô thị Nam Trung Yên rơi sập xuống đất trong cơn mưa ngày 28/7 (ảnh nhỏ). Ảnh: Hồng Vĩnh - VNN.
Chuyển cơ quan điều tra xử lý
Tại hội nghị, các cử tri đã bày tỏ bức xúc trước nhiều vấn đề bất cập đang xảy ra tại các khu chung cư tái định cư ở Hà Nội. Các cử tri là cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư tái định cư cho rằng, họ đã bàn giao nhà cửa, đất đai để nhà nước thực hiện các dự án.
Thế nhưng khi chuyển về sinh sống tại các khu nhà tái định cư thì chất lượng rất thấp, nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể, hiện nhiều khu chung cư đã xuống cấp, các hệ thống điện nước, cầu thang máy thường xuyên bị hư hỏng, trong khi ban quản lý tòa nhà lại không khắc phục kịp thời.
Các cử tri cũng bày tỏ bức xúc các vấn đề như việc chậm thành lập ban quản trị, không minh bạch trong sử dụng diện tích tầng 1 mà cho thuê “tùm lum” hay liên quan đến phí bảo trì…, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Một số cử tri ở Khu đô thị Nam Trung Yên đặc biệt lo ngại về hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy tại một số khu chung cư tái định cư ở đây. Theo phản ánh của các cử tri, nhiều năm nay tại một số khu chung cư, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ không hoạt động và không được quan tâm.
Trước những phản ánh của cử tri, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trước mắt yêu cầu từ nay tới trước đợt tiếp xúc cử tri kỳ họp sau của Quốc hội, các đơn vị liên quan của Hà Nội phải thành lập bằng được ban quản trị tại các khu chung cư tái định cư.
“Việc thành lập ban quản trị tại các khu chung cư tái định cư, Sở Xây dựng Hà Nội phải trực tiếp tiến hành thành lập, chứ không trông chờ gì vào Công ty quản lý nhà, Công ty đầu tư nhà Hà Nội...”, ông Hùng nói. Ông Hùng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải quyết ngay những vấn đề bức thiết về thang máy, điện nước, kiểm tra và xử lý các hạng mục bị hỏng hóc tại các khu chung cư mà người dân phản ánh.
Liên quan đến trách nhiệm của Công ty quản lý nhà Hà Nội, ông Hùng cho biết thêm, công ty này không chỉ vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà ở mà còn có những sai phạm khác, có dấu hiệu hình sự. Vì vậy, cơ quan chức năng của thành phố sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức kiểm điểm các ngành, các cấp liên quan để xảy ra thiếu sót này.
Khu đô thị Nam Trung Yên tập trung nhiều tòa chung cư tái định cư nhưng việc quản lý và vận hành đã xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hàng loạt sai phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được thành phố giao quản lý và bố trí nhà tái định cư tại các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội, nhưng trong thời gian qua đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác quản lý và bố trí tái định cư tại một số dự án, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của đơn vị này.
Đơn cử, tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải bàn giao nguyên trạng 18 tòa chung cư với 2.204 căn hộ cho Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Tổng Cty nhà-PV) để quản lý, vận hành theo quy định. Tuy nhiên, Cty này còn giữ lại 321 căn hộ.
Điều đáng nói, việc bố trí nhà tái định cư tại khu đô thị này đã xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bố trí cho người vào ở khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định với 321 căn hộ. Trong đó, có 259 căn có quyết định bán nhà nhưng chưa nộp tiền; 62 căn hộ chưa có quyết định bán nhà.
Tương tự, tại Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhận bàn giao 3 tòa nhà tái định cư gồm 556 căn hộ từ tháng 9/2014. Dù chưa hoàn tất thủ tục theo quy định (chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cho nhà nước-PV), nhưng Cty nhà đã bố trí cho người vào ở tại 100 căn hộ.
Đặc biệt, trong đó có 6 căn hộ chưa có quyết định bán nhà của UBND thành phố. Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, qua thu thập hồ sơ và kiểm tra thực tế tại 17 điểm kinh doanh dịch vụ mà Cty này quản lý đã phát hiện, đơn vị này tự ý cho các tổ chức cá nhân vào sử dụng kinh doanh dịch vụ và hầu hết đã cải tạo sửa chữa, thay đổi nguyên trạng ban đầu. Nhiều tổ chức còn cho thuê lại, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước gây thất thoát số tiền lớn.
Có lợi ích nhóm trong quản lý nhà tái định cư
ĐB Ngọ Duy Hiểu - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Lắng nghe ý kiến phản ánh của những người dân đang trực tiếp sinh sống tại các tòa nhà tái định cư, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đây là vấn đề rất nóng. Nó cho thấy có biểu hiện của lợi ích nhóm, của việc thờ ơ, lỏng lẻo trong quản lý và vận hành nhà tái định cư hiện nay.
Theo ông Hiểu, các ý kiến của cử tri, của người dân sẽ được đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp và yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đồng thời cũng sẽ giám sát đến cùng việc xử lý này.

Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý và bố trí nhà tái định cư. Đơn cử như việc để tồn đọng 376 tỷ đồng tiền bán nhà tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên gây thất thu cho ngân sách; tạo bất bình đẳng đối với việc giải quyết chế độ chính sách về đền bù, bố trí tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của thành phố. Hiện cơ quan chức năng đã yêu cầu Cty này thu hồi các căn hộ cho thuê, sử dụng chưa đúng quy định, đồng thời thu hồi số tiền chưa thu hồi được.

Hà Nội hiện có 173 tòa nhà chung cư với 15.210 căn hộ thuộc diện nhà tái định cư. Trong đó, thành phố đã có quyết định bố trí sử dụng 14.081 căn hộ cho các hộ gia đình tái định cư.

Về mặt quản lý Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý, vận hành 147 tòa nhà chung cư; Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý vận hành 18 tòa nhà chung cư; Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng) được thành phố giao quản lý vận hành 8 tòa chung cư.

Tú Anh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.