Từ hội thảo về vướng mắc trong lĩnh vực quảng cáo do Pháp Luật TP.HCM và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp cho biết có nhiều phát sinh từ việc quy hoạch quảng cáo không phù hợp với bộ mặt đô thị.

Lâu nay quảng cáo gắn với ngành văn hóa thông tin và quy hoạch xây dựng nhiều hơn là gắn với quy hoạch kiến trúc cảnh quan của đô thị.

Chưa “sống lâu” với đô thị

Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo VN, cho biết trước đây TP.HCM không có quy hoạch bảng quảng cáo ngoài trời. Khi có nhu cầu quy hoạch thì quận, huyện liệt kê lại các bảng quảng cáo hiện có để xác nhận đó là “quy hoạch”. Do vậy, gọi là làm quy hoạch mà không có đơn vị kiến trúc tham gia tư vấn. Điều này gây ra nhiều bất hợp lý vì quảng cáo ngoài trời phụ thuộc rất lớn vào cảnh quan kiến trúc. Cụ thể, bảng phải to, được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy, gần giao lộ, đông người qua lại... Ví dụ, bảng quảng cáo hiện đặt tại vách tường nhà ông A, được vài năm sau, ông B hàng xóm xây nhà cao lên, thế là che mất bảng, phải bỏ địa điểm đó.

Ông Cáp cũng cho rằng việc lấy các biển quảng cáo có sẵn để làm thành “quy hoạch” một cách cứng nhắc mà không có sự linh động sẽ gây tác động xấu là gây bất ổn về giá quảng cáo. Nhà nào mà được duyệt trong quy hoạch quảng cáo thì cứ như “mỏ vàng”. Chủ nhà biết nhà mình được duyệt quy hoạch rồi thì vào thế độc quyền, cứ đòi lên giá vùn vụt. Đã từng có vị trí đẹp mà trong một năm chủ nhà nâng giá lên gấp ba lần, thế mà doanh nghiệp vẫn phải chịu vì nếu không chịu thì phải đền hợp đồng quảng cáo với khách hàng.

Ông Lê Quang Chừng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ACS Việt Nam, cho rằng phải có quy hoạch quảng cáo phù hợp với quy hoạch đô thị. Ví dụ quy hoạch rõ ràng trong khu dân cư này không được dựng bảng quảng cáo, dọc tuyến đường kia được quảng cáo, bảng chỗ này được bao nhiêu mét, bảng chỗ kia được cao bao nhiêu mét... Ngoài ra, trong khi quy hoạch cũng phải đưa ra các quy định rõ ràng mới giữ được cảnh quan đô thị.

alt

Đà Nẵng quy hoạch bảng theo cụm thế này vừa đồng bộ mà không gây nhàm chán. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Ông Chừng ví dụ, quy định hiện nay cấm bảng quảng cáo che kín công trình. Thế nhưng doanh nghiệp làm bảng che gần hết, chỉ chừa có hai cái “bo” bên hông thì chẳng lẽ không cấp phép?!

Hài hòa lợi ích khi quy hoạch

Ông Võ Đình Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Quảng cáo Đà Nẵng, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Đà Nẵng, cho biết khi xây dựng quy hoạch và quy định về quảng cáo, Đà Nẵng cũng đã xin ý kiến doanh nghiệp quảng cáo lẫn các cơ quan chuyên môn như Phòng Quản lý Kiến trúc Đô thị của Sở Xây dựng. Mỗi bên có những luồng ý kiến ngược nhau và phải cân nhắc tới lui rất nhiều để đưa ra hướng thích hợp nhất.

Ông Tịnh ví dụ về quy hoạch bảng quảng cáo dọc bờ sông Hàn ở Đà Nẵng. Trong ngành quảng cáo có phương châm là quảng cáo phải khác biệt thì mới có ấn tượng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng khi đặt cạnh nhau, kích thước bằng nhau thì bảng không bắt mắt. Thế nhưng ông Tịnh cho rằng nếu xét tổng thể không gian kiến trúc, từ bên này sông nhìn qua thấy bên kia lố nhố bảng to bảng nhỏ, bảng trước bảng sau thì liệu có đẹp không? Thay vào đó, Đà Nẵng đã dùng cách bố trí bảng theo cụm, từng cụm ba bảng, năm bảng, cụm này cách xa cụm kia một đoạn dài chứ không trải đều dọc bờ sông. Quy hoạch như vậy đồng bộ mà không gây nhàm chán. Hơn nữa, kích thước bảng cũng có thay đổi ở từng khu vực, ven sông thì vậy, ven biển thì khác chứ không cứng nhắc.

Ông Tịnh cũng ví dụ, trước đây khi soạn thảo quy định bảng quảng cáo giăng ngang mặt tiền nhà chỉ được cao 1 m thì Đà Nẵng cũng lấy ý kiến góp ý nhưng không ai thấy có vướng mắc. Đến khi thực tế áp dụng thì nhiều doanh nghiệp phàn nàn là quy định cứng nhắc, có mặt tiền ngang 4 m thì bảng cao 1 m nhìn cũng được nhưng có mặt tiền ngang 8 m hay 16 m mà bảng cũng chỉ cao 1 m thì không đẹp. Quả thật là nếu nhìn riêng mặt tiền cửa hiệu đó thì thấy bảng quảng cáo “lùn tịt” so với mặt tiền, không đẹp. Thế nhưng đứng ở góc độ khác, nhìn trên cả con đường, cả tuyến phố mà nhà này có bảng cao 1 m, nhà kế bên bảng cao 3 m, lên xuống như đồi núi thì có ổn không?

Một cán bộ quản lý quảng cáo tại TP.HCM thì cho biết cần cân nhắc lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cộng đồng khi quy hoạch quảng cáo. Ví dụ, doanh nghiệp thích bảng to, bảng cao, nhiều doanh nghiệp cứ “nhích” bảng lên cao hơn nóc nhà. Vì vậy, người dân xung quanh bảng quảng cáo thay vì lên sân thượng nhìn ngắm không gian đô thị thì lại bị chắn tầm nhìn bởi bảng quảng cáo, như vậy là không được! Doanh nghiệp muốn bảng đẹp, muốn quảng cáo hiệu quả thì cũng phải hài hòa với lợi ích cộng đồng, mỹ quan của đô thị.

Chưa chú trọng quy hoạch cảnh quan quảng cáo

Một quy hoạch quảng cáo muốn “sống lâu” được trong đô thị thì quy hoạch đó phải được xây dựng dựa trên quy hoạch đô thị. Trong quy hoạch đô thị có những phần rất chi tiết như quy hoạch hệ thống y tế, hệ thống trường học... Tuy nhiên, chưa thấy sự quan tâm đúng mức đến quy hoạch cảnh quan quảng cáo. Trong khi đó, màu sắc, cường độ ánh sáng, kích thước, vị trí bảng quảng cáo... đều có liên quan đến cảnh quan chung. Một phần nguyên nhân là ngành quy hoạch cảnh quan cũng chỉ mới được chú trọng trong vài năm gần đây.

Doanh nghiệp than phiền bộ mặt quảng cáo nhưng nếu muốn đẹp, muốn ghép quảng cáo với quy hoạch cảnh quan thì chắc chắn các ràng buộc về quảng cáo sẽ khắt khe hơn, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chính doanh nghiệp.

Kiến trúc sư ĐOÀN NGỌC HIỆP,
Trưởng bộ môn Quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

tag: quy hoach quang cao, quy hoach do thi

Cafeland.vn - Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland