Khó xử với thừa kế
Vợ chồng bà Phạm Thị Thiên Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) có căn nhà duy nhất trên đường Quách Văn Tuấn, P.12, Q.Tân Bình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 1999.
Tháng 8-2014, chồng bà Nga qua đời. Sau đó bà đã đi làm thủ tục thừa kế và cập nhật tên hai con vào sổ hồng. Tiếp đó bà ký hợp đồng bán căn nhà trên.
Thời gian từ khi cập nhật tên hai con vào sổ đến khi bán chưa đủ 183 ngày nên cơ quan thuế chỉ đồng ý miễn thuế với một nửa căn nhà là sở hữu của bà trước đây.
Một nửa căn nhà là phần thừa kế của bà và hai con sau khi chồng qua đời, cơ quan thuế vẫn thu thuế TNCN với mức 73 triệu đồng.
“Nếu là giao dịch mua bán, đóng thuế thì tôi chấp nhận, nhưng ở đây là căn nhà tôi sở hữu đã lâu. Tôi thấy như vậy rất bất hợp lý” - bà Nga bức xúc.
Trường hợp bà Nga không phải là cá biệt. Ông Hoàng Thông (Q.9) cho biết ông mua lại một miếng đất dự án thuộc P.Phước Long B, Q.9 từ năm 2003 và đã được cập nhật tên trên sổ đỏ. Đến tháng 7-2004 ông khởi công xây nhà.
Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên đến tháng 9-2015 ông mới được cấp sổ hồng. Một tháng sau ông Thông bán nhà và bị thu thuế TNCN 24 triệu đồng.
“Tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh đã sinh sống trong căn nhà này từ lâu như đăng ký KT3, sổ hộ khẩu... Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào sổ hồng được cấp chưa đủ 183 ngày và không đồng ý miễn thuế cho tôi” - ông Thông bức xúc.
Sau đó ông Thông đã có đơn khiếu nại lên Chi cục Thuế Q.9. Tuy nhiên, Chi cục Thuế Q.9 đã viện dẫn ra quy định tại điều 12, thông tư 92 để khẳng định chỉ có thể miễn thuế cho ông Thông... phần đất, còn phần nhà chưa đủ quy định 183 ngày.
Nhưng do hợp đồng chuyển nhượng của ông Thông không tách riêng phần nhà và đất nên cơ quan thuế tính thuế trên tổng giá trị đất và nhà.
Cơ quan thuế yêu cầu để được miễn thuế phần đất, ông Thông phải tách được hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất để cơ quan thuế có cơ sở tính thuế. Tuy nhiên ông Thông không đồng ý.
“Lẽ ra tôi phải được miễn thuế cả phần đất lẫn nhà vì đã chứng minh được mình sở hữu trên 183 ngày” - ông Thông nói.
“Bắt nhầm” còn hơn mất thuế
Luật thuế TNCN chỉ quy định khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất thì được miễn thuế, người nộp thuế tự khai tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng có người sở hữu nhiều nhà, đất đã lách bằng cách lần lượt sang tên từng bất động sản cho những người thân chưa sở hữu nhà.
Sau đó những người này đứng ra bán và được miễn thuế TNCN do chuyển nhượng căn nhà duy nhất, dẫn đến thất thu thuế.
Từ đó, Bộ Tài chính ban hành thông tư 111 đặt thêm điều kiện phải “có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày” mới được miễn thuế. Quy định này được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng lách thuế theo cách trên.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc cả phía người nộp thuế lẫn cơ quan thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục Thuế Q.Tân Bình - nơi tính thuế TNCN đối với bà Nga, thừa nhận đây là trường hợp mà cơ quan thuế thấy rất khó xử.
“Nhìn ở đây rõ ràng không có chuyện lách thuế, do vậy thu thuế TNCN cơ quan thuế thấy cũng không hợp tình. Chúng tôi đã làm văn bản hỏi Cục Thuế TP, sau đó Cục Thuế TP có văn bản hỏi Tổng cục Thuế.
Cùng thời điểm đó Tổng cục Thuế có văn bản trả lời cho Cục Thuế Cần Thơ về một trường hợp tương tự trường hợp của bà Nga nên cơ quan thuế đã vận dụng vào việc xử lý cho bà Nga.
Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng thấy “không suôn” khi thu thuế với trường hợp này” - đại diện Chi cục Thuế Q.Tân Bình nói.
Về phía người nộp thuế, nhiều người cho rằng cơ quan thuế đã lợi dụng quy định này để lạm thu. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nga nói có cảm giác như cơ quan thuế đang “vơ đũa cả nắm” và việc thu thuế theo suy luận như trên là không hợp tình.
“Tại sao không căn cứ vào giấy tờ nhà cũ cũng do tôi đứng tên sở hữu?” - bà Nga nói. Nhiều người cho biết cả đời họ đến giờ mới bán nhà một lần, theo quy định của Luật thuế TNCN thì cá nhân tự khai tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, cơ quan thuế không đồng ý mà viện dẫn ra hàng loạt thông tư, văn bản để từ chối miễn thuế khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất khiến người dân khó “cãi lại” hoặc phải bấm bụng đóng thuế để hoàn thành thủ tục cho bên mua.
Chỉ được việc cho ngành thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chi cục thuế khác cũng cho biết thực tế khá nhiều người rơi vào trường hợp như bà Nga.
“Nếu là trường hợp nhiều người đã mua nhà lâu nhưng không cập nhật giấy tờ thì cơ quan thuế có thể thuyết phục họ nộp thuế, nhưng trường hợp thừa kế thì không thể như vậy được. Đó là chuyện không mong muốn, không thể lường trước được.
Mặt khác, rơi vào trường hợp có người nhà mất đột ngột thường ít ai gấp rút đi làm thủ tục mà phải đợi mọi chuyện nguôi ngoai họ mới đi làm thủ tục thừa kế. Do vậy nhiều trường hợp khi bán nhà, đất chưa sở hữu đủ 183 ngày nên phải nộp thuế” - đại diện một chi cục thuế cho biết.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn - giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, qua cách xử lý như trên cho thấy cơ quan thuế không lường trước những tình huống phát sinh trong thực tế khi ban hành quy định “183 ngày” dẫn đến cách xử lý không hợp tình hợp lý, thậm chí nhiều tình huống xử lý máy móc như vừa qua.
“Thời gian qua nhiều người dân rất bức xúc, do vậy cơ quan thuế nên ghi nhận phản ảnh này và điều chỉnh quy định sao cho hợp lý, tối thiểu linh động làm sao phải xét đến những tình tiết hoặc tình huống đặc biệt thay vì áp dụng cứng nhắc như thời gian qua” - ông Sơn kiến nghị.