Bước đầu “cắt sốt”
Tính tới 11h ngày 11/10 (giờ Việt Nam) giá vàng đang giao dịch ở mức 1.681,8 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước cùng thời điểm được niêm yết trong vùng 43,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,05 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nếu quy đổi giá vàng quốc
tế theo giá USD ngân hàng thương mại 1USD = 20.875 VND tương đương
khoảng 42,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá vàng SJC bán lẻ tại
Tp.HCM và giá vàng quốc tế quy đổi đang là 1,5 triệu đồng/lượng.
So
với thời điểm cách đây hơn 1 tuần, biên độ đã được thu hẹp đáng kể.
Ngày 26/9/2011, có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc
tế lên đến 4,4 triệu đồng.
Việc chênh lệch giá được thu hẹp chính là nhờ Thông tư số 32 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày hôm qua (6/10), khi cho phép một số Ngân hàng Thương Mại (NHTM) đủ điều kiện sẽ được bán vàng huy động và những ngân hàng này cũng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài.
Ảnh minh họa (Ảnh: Anh Minh)
Được biết, 5 ngân hàng gồm DongA Bank, ACB, Techcombank, Eximbank và Sacombank được phối hợp với SJC bán vàng bình ổn.
Khi
5 ngân hàng được phép bán vàng huy động, khoảng cách giữa giá trong
nước và quốc tế đã co hẹp dần, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư đã
bớt đi tâm lý thận trọng trong việc đưa ra quyết định mua hay bán.
Trưa 6/10, khi giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.645 USD/ounce, tỷ giá USD tự do là 21.300 đồng thì quy đổi giá vàng thế giới theo giá vàng Việt Nam vào khoảng 42,21 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước chỉ còn chênh hơn 1,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi, chiều ngày 4/10/2011, giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn chênh hơn giá thế giới hơn 2,8 triệu đồng/lượng.
Một
nhà đầu tư lâu năm cho rằng: “Nếu mua vào thời điểm giá vàng chênh lệch
đến hơn 4 triệu đồng/lượng, chắc chắn sẽ tồn tại những rủi ro cho chính
nhà đầu tư. Chênh lệch trên dưới 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới
là lúc có thể bắt đầu mua được. Nhưng, mức này vẫn là cao, muốn an toàn
có thể trong khoảng cách 500.000 đồng/lượng”.
Mới chỉ san bớt gánh nặng
Về
giải pháp cho 5 ngân hàng và SJC bán vàng huy động và chính những ngân
hàng này được mở vàng tài khoản, ông Vũ Minh Châu (Giám đốc công ty VBĐQ
Bảo Tín Minh Châu) cho rằng: “Trước mắt, tại thời điểm thực hiện, những
giải pháp này đã có hiệu quả và làm dịu giá vàng”.
Ông Châu đưa ra hình ảnh so sánh, thị trường vàng như chiếc thuyền chở gạch quá nặng, lẽ ra phải bớt gạch, thì lại di chuyển gạch từ khoang này sang khoang khác. Theo quan điểm của ông Châu, nguyên nhân của việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao thời gian qua là do vàng vật chat strong nước bị thiếu.
“Khi giá vàng lên mức 47 – 48 triệu đồng/lượng, nhiều người bán ra để giữ tiền mặt, sau đó đợi giá rơi xuống 44 – 45 triệu đồng/lượng lại để chốt lời, ngoài ra mức giá vàng cao nên nhiều nhà nhập khẩu không nhập về. Nên giải pháp đưa tăng cường lượng vàng vật chất, ko phải di chuyển vàng trong nước”, ông Châu phân tích.
Còn TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản Trị Kinh Doanh (Đại học Ngân hàng TP.HCM) phân tích, trước khi có gói giải pháp này, thị trường lâm vào lúng túng do quy chế quản lý vàng chưa hoàn thiện, quan điểm quản lý còn nhiều tranh luận, giá vàng trong nước cao hơn thế giới, lượng vàng lớn trong dân nằm yên không ra thị trường và có cả đầu cơ, buôn lậu, độc quyền.
TS Dương nhấn mạnh: “Công cụ quota để quản lý tỏ ra không giải quyết được các nhược điểm trên. Tuy nhiên, không thể bỏ công cụ quota, bởi đây giống như là hậu vệ phòng, khi những đơn vị bán vàng huy động không đảm nhận được việc bán do nhu cầu lớn, thì sẽ dùng đến quota”.
Thêm vào đó việc cho 5 Ngân hàng và SJC bán vàng huy động, đồng thời cho chính 5 ngân hàng cân bằng trạng thái bằng cách mở vàng tài khoản đã thực sự phát huy hiệu quả,
“Trước mắt, đây là gói giải pháp tối ưu, sử dụng liên hoàn trụ 3 chân này, chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Không thể để mức chênh hơn 4 triệu đồng, dẫn tới gây áp lực tỷ giá USD, tình trạng đầu cơ và buôn lậu”, ông Dương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cũng chỉ rõ, gói giải pháp này giúp kéo gần giá trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chưa giải quyết được vấn đề vàng hóa, do người dân vẫn mua vàng. Ngoài ra, chỉ mới có 5 ngân hàng bán vàng huy động, những lúc lực cung không đủ do áp lực nhu cầu lớn thì vẫn phải trông cậy vào giải pháp quota nhập khẩu, chứng tỏ độ nhạy chưa cao.
Theo lời TS Dương, về lâu dài cần có biện pháp căn cơ, mà biện pháp quan trọng nhất là nâng giá trị đồng Việt Nam. “Đồng tiền mạnh dựa trên nền sản xuất mạnh, muốn nền sản xuất mạnh thì phải chống lạm phát”, ông Dương nói thêm.
Tiến sỹ Lê Thẩm Dương đánh giá việc chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng là một cách làm hay, là bước đi đầu tiên để chống vàng hóa. Tương tự đó, để chống đô la hóa có thể hạ lãi suất đồng đô la và tăng dự trữ bắt buộc.
Đề cập đến việc mở lại sàn vàng, ông Dương cho rằng: “Tôi thấy do dự về ý kiến này. Không phải không có lý do để đóng cửa các sàn vàng thời gian trước đây. Nếu chỉ mở sàn vàng hạn chế thì có thể được, còn nếu mở đại trà thì quá tầm quản lý”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Đây chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Vấn đề cốt lõi ở đây, là người dân vẫn mua, bán vàng tự do. Nếu còn mua, bán vàng tự do thì vẫn còn tình trạng phải nhập vàng".
Theo ý kiến của ông Thành, không nên cho mua bán vàng tự do. Nếu nhập vàng về để sản xuất trang sức cũng có chừng mực, không thể cho phép mua bán vàng miếng. Việc sử dụng gói giải pháp là hợp lý, song chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chỉ rõ tồn tại, khi trên thị trường xuất hiện tình trạng nhu cầu nhiều hơn nguồn cung, mức giá tiếp tục tăng, thì lại phải quay về nhập khẩu.
Ông Thành không đồng ý với việc quay lại sàn vàng. Nguyên nhân là do, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây ra tình trạng thao túng. Bởi cách quản lý, khung pháp lý chưa thông thoáng để tránh tình trạng làm giá.