Ông Nguyễn Thanh Hải (hàng đầu, đứng thứ 2 từ trái qua) đang cùng Đoàn liên ngành kiểm tra khối xây công trình nhà hiệu bộ thuộc trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị.
PV: Kết quả hoạt động sản xuất gạch không nung trên địa bàn Quảng Trị không mang lại như sự mong đợi. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Quá trình theo dõi, quản lý chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: Do sản phẩm gạch xây không nung của các đơn vị mới bước đầu đi vào sản xuất, tiếp cận thị trường nên việc kiểm soát, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm còn gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật. Các nhà sản xuất chưa quan tâm đến vấn đề quảng bá sản phẩm; công bố và cung cấp các chứng nhận về chất lượng hay có các hướng dẫn kỹ thuật thi công cụ thể đủ để người dùng tin tưởng vào việc sử dụng gạch. Trọng lượng, kích thước, màu sắc và giá thành sản phẩm chưa thực sự phù hợp, hấp dẫn nếu so sánh với gạch đất sét nung truyền thống, là loại sản phẩm vẫn còn nguồn cung khá dồi dào trên địa bàn tỉnh. Hiểu biết về đặc tính vật liệu, kinh nghiệm thiết kế, thi công quản lý khối xây dựng gạch không nung của đội ngũ kỹ sư tỉnh nhà cũng còn nhiều hạn chế vì thời gian sử dụng loại vật liệu này chưa dài. Sự thiếu hụt các hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công đối với loại vật liệu mới này…
Đặc biệt, trong thời gian đầu sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đã có nhiều lỗi xảy ra đối với các công trình sử dụng loại gạch này. Mà cụ thể, là tình trạng nứt, tách khối, gây ra thấm tường, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ của công trình dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng gạch không nung của người dân, của chủ đầu tư và các kỹ sư trong các công trình. Do đó, hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạch không nung trên địa bàn Quảng Trị bị ảnh hưởng, bên cạnh các tác động tiêu cực khác làm đình trệ hoạt động xây dựng như Covid-19, bão lụt...
PV: Trước thực trạng nêu trên, về mặt quản lý Nhà nước xin ông cho biết Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị đã có những động thái gì?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Rất nhiều hoạt động đã được Sở Xây dựng Quảng Trị thực hiện, như: Tổ chức kiểm tra các công trình có xuất hiện sự hiện tượng nứt, tách khối xây sử dụng gạch không nung để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý; Kiểm tra các tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm có các hướng dẫn, khuyến cáo và yêu cầu để các đơn vị chấn chỉnh, nâng cao chất lượng gạch không nung của mình; Kiểm soát chặt chất lượng hồ sơ thiết kế các khối xây sử dụng gạch không nung; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn quản lý chất lượng trong giai đoạn thi công đối với các công trình có sử dụng gạch không nung, kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về sử dụng gạch không nung; Trực tiếp ban hành hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Xây dựng về việc sử dụng vật liệu xây không nung và tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình.
Tổ chức hội thảo (gồm các đơn vị sản xuất, tư vấn thiết kế, thi công trên địa bàn tỉnh) và sau đó ban hành hướng dẫn về việc quản lý chất lượng khối xây gạch xi măng – cốt liệu không nung trong các công trình trên địa bàn tỉnh (Hướng dẫn số 692/HD-SXD ngày 29/5/2018. Trong đó, đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra các lỗi hay gặp; hướng dẫn một số nội dung chủ yếu liên quan đến công tác sản xuất, thiết kế, thi công và quản lý chất lượng. Các nội dung hướng dẫn cũng rất tập trung vào việc hạn chế, khắc phục tác động biến dạng co của khối xây trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm của địa phương).
Số liệu thống kê từ báo cáo của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cuối năm 2018, đầu 2019 cho thấy rằng tỷ lệ công trình triển khai thi công trong năm 2018 có khối xây sử dụng gạch không nung bị nứt, tách đã giảm xuống còn khoảng 35% so (giai đoạn trước đây là khoảng 52%); trong đó, tỷ lệ công trình có nhiều khối xây sử dụng gạch không nung bị nứt, tách giảm xuống còn 13,1% so với giai đoạn trước đây là 31,5%. Trong các năm 2019 và 2020 những phản ánh, báo cáo về tình trạng nói trên vẫn còn nhưng ít hơn khá nhiều so với các năm trước; hiện tượng nứt xiên tại các góc lỗ cửa hầu như rất ít xảy ra.
PV: Sau một loạt giải pháp khắc phục những lỗi khi sử dụng gạch không nung đã có những dấu hiệu tương đối khả quan, vậy theo ông thời gian tiếp theo cần làm gì?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nêu cao ý thức sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng theo đúng chủ trương của Chính Phủ, Bộ Xây dựng, một số giải pháp cũng cần được quan tâm, triển khai trong thời gian tới như: Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá 10 năm kết quả thực hiện Chương trình phát triển vật liệu không nung và của các đợt kiểm tra thực tế đã thực hiện, cũng như từ báo cáo kinh nghiệm của các địa phương và các đơn vị. Trước mắt, cần ban hành hướng dẫn về sản xuất gạch không nung, thiết kế và thi công khối xây sử dụng gạch không nung; về lâu dài cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thiết kế, thi công.
Triển khai các nghiên cứu về sự làm việc của khối xây sử dụng gạch không nung trong điều kiện khí hậu các vùng miền, để có giải pháp hạn chế biến dạng co lớn của khối xây, hoặc chênh lệch biến dạng co giữa các vật liệu thành phần, một trong những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng nứt, tách khối xây.
Sau khi những tồn tại về chất lượng được khắc phục, cần có các giải pháp mạnh hơn về cơ chế, chính sách nhằm tái thúc đẩy sản xuất và sử dụng các sản phẩm gạch không nung hiện có, đồng thời đẩy mạnh các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu không nung mới, chất lượng cao.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần có sự kết hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học để thực hiện và công bố rộng rãi các kết quả thí nghiệm về vật liệu, về kết cấu đối với sản phẩm của mình nhằm tạo niềm tin cho cộng đồng, cho người sử dụng; đồng thời, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ nhằm duy trì độ ổn định về chất lượng sản phẩm. Các đơn vị thiết kế, thi công, chủ đầu tư cần tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong quản lý chất lượng công trình nói chung và chất lượng các khối xây sử dụng gạch không nung nói riêng, nhất là khâu thí nghiệm, lựa chọn gạch, vữa xây; bố trí hệ giằng, neo; bảo dưỡng ẩm và che chắn để hạn chế tác động của môi trường đến khối xây trong thời gian đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
-
Bài toán nào cho việc sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng bền vững?
Nước ta được đánh giá có nhiều lợi thế về tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên trữ lượng hầu hết đều nằm trong danh mục hữu hạn. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, do đó, nguồn nguyên - nhiên liệu để sản xuất vật liệu ngày càng khan hiếm. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài để vừa bảo vệ môi trường vừa khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
-
Siêu dự án điện khí 54.000 tỷ đồng của Tập đoàn T&T nhận chỉ đạo mới từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có công suất 1.500 MW, do tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD)....
-
Quảng Trị họp bàn triển khai dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng tại huyện Triệu Phong
UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan về tiến độ triển khai dự án Khu đô thị Nam Cửa Việt (giai đoạn 1).
-
Đông Hà có thêm dự án nhà ở 200 tỉ đồng
Dự án khu nhà ở thương mại Bắc Sông Hiếu (giai đoạn 1) vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư có quy mô 19.388m2, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.