Được thỏa thuận phân chia rõ ràng, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, thế nhưng hàng nghìn m2 diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của một hộ dân bị người khác đưa máy xúc vào san gạt, tu sửa và sử dụng.

ANTT vừa nhân được phản ánh của ông Nguyễn Văn Nặc, trú tại thôn 9, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) về việc hơn 5.000m2 đất đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông bị bà Dương Thị Xuân trú tại xóm 7, xã Sông Khoai tự ý cho người đưa máy xúc vào san gạt, tu sửa và sử dụng.

Đã phân chia rõ ràng

Ông Nặc cho biết, trước đó, giữa gia đình ông và gia đình bà Xuân đã thống nhất chia diện tích đầm để sử dụng. Sự việc còn có sự chứng kiến của nhiều người dân và chính quyền địa phương.

Phần diện tích đất đầm được thống nhất giao cho ông Nguyễn Văn Nặc sử dụng

Qua tìm hiểu, ngày 23/7/2001, UBND huyện Yên Hưng có quyết định số 702/QĐ-UB về việc tạm giao đất đắp đầm nuôi trồng thủy sản ở khu Đầu núi Rũi – xã Sông Khoai cho tổ hợp ông Nguyễn Văn Dũng.

Ngày 2/8/2001, hai gia đình gồm ông Nguyễn Văn Dũng (đầm trưởng, vợ là bà Dương Thị Xuân) cùng gia đình ông Nguyễn Văn Nặc (vợ là Đinh Thị Tích) thống nhất góp vốn làm chung đầm nuôi trồng thủy sản từ mốc số 9 đến 14 trên bản đồ.

Mọi chi phí do ông Dũng quyết định, lợi nhuận hàng năm sẽ chia đều cho các bên. Quá trình nuôi trồng thủy sản, việc tu sửa, thả con giống đều do 2 gia đình thống nhất đóng góp.

Đến ngày 18/12/2001, UBND huyện Yên Hưng có quyết định giao cho ông Nguyễn Văn Dũng thuê đất tại khu vực Đầu núi Rũi – xã Sống Khoai với tổng diện tích là 50.886,3m2 ; thời hạn thuê 20 năm từ ngày 23/7/2001. Mục đích sử dụng là nuôi trồng thủy sản.

Tại thời điểm này, tổ hợp do ông Nguyễn Văn Dũng là đầm trưởng, ông Nguyễn Văn Khá cùng ông Đinh Văn Khoe là thành viên.

Ngày 22/3/2002, UBND huyện Yên Hưng cấp giấy CNQSD 50.886,3m2 đất cho đại diện tổ hợp ông Nguyễn Văn Dũng (tổ trưởng).

Gần 1 năm sau, vào ngày 21/2/2003, ông Nguyễn Văn Dũng có đơn xin tách diện tích đầm nuôi trồng thủy sản gửi các ban nghành tại địa phương. Cụ thể, căn cứ vào những đóng góp, sự nhất trí của các thành viên, ông Dũng mong muốn tách diện tích đầm làm 3.

Diện tích đầm ông Nguyễn Văn Dũng sử dụng 24102,9m2; ông Nguyễn Văn Nặc sử dụng 18500m2; ông Nguyễn Văn Khá và ông Đinh Văn Khoe cùng sử dụng 8280,4m2. Vụ việc này có xác nhận của UBND xã Sông Khoai thể hiện việc nhất trí nội dung đơn đề nghị huyện xem xét.

Sau nhiều năm, do vướng phải quy hoạch dự án, phần diện tích đất đầm do ông Khoe và ông Khá cùng sử dụng đã phải GPMB. Phần diện tích đầm còn lại, được thống nhất giao cho bà Dương Thị Xuân, là vợ của ông Nguyễn Văn Dũng (do ông Dũng mất) và ông Nguyễn Văn Nặc.

Ngày 25/5/2008, hai gia đình cùng các con và có người chứng kiến là ông Vũ Văn Quynh, thống nhất chia phần diện tích đầm còn lại như sau: Bà Xuân được sử dụng 17.820m2 diện tích đầm ở phía nam đường bê tông cảng, ông Nặc sử dụng 5.539m2 diện tích đầm ở phía bắc đường bê tông cảng.

Ngày 22/4/2009, tại biên bản họp tổ hợp đầm để thông báo và thống nhất về việc sử dụng diện tích đầm còn lại. Buổi họp có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Chính quyền đề nghị đưa ra tòa

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Nặc, một vài năm trở lại đây, phần diện tích 5.539m2 đất đầm trước đó thống nhất chia cho gia đình ông sử dụng bất ngờ bị bà Xuân lại cùng một người khác đến tiến hành tu sửa, sử dụng.

Hiện tại phần diện tích hơn 5000m2 đầm được giao cho ông Nguyễn Văn Nặc bị bà Xuân cùng một người khác đến tu sửa và sử dụng

Mặc dù ông Nặc đã đề nghị bà Xuân trả lại diện tích đất đầm như đã cam kết thống nhất, đồng thời gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được làm rõ.

Chỉ biết đến hiện tại, phần diện tích đất đầm gia đình ông Nguyễn Văn Nặc được giao, hiện đang có người khác sử dụng. Ngoài ra, còn có máy xúc ủi đang tiến hành làm thêm để phục vụ việc nuôi trồng thủy sản.

Giải thích về việc cùng một người khác đến tu sửa, sử dụng phần diện tích hơn 5.000m2, bà Dương Thị Xuân cho hay, khu đất này là nhà nước giao cho gia đình bà thuê để nuôi trồng thủy sản, bìa cũng đứng tên chồng của bà.

Do mất nhiều vốn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản nên đã mời gia đình ông Nguyễn Văn Nặc góp vốn tu sửa bờ để nuôi trồng số tiền 50 triệu đồng. Nhưng từ khi có dự án đi qua, diện tích đầm bị hư hỏng, không khai thác được.

Bà Xuân sau đó có sang bàn bạc với gia đình ông Nặc để tu sửa, tiếp tục làm chung đầm nuôi trồng thủy sản nhưng không được sự đồng ý.

Khi được hỏi về việc có biên bản nào hủy bỏ việc chung đầm, xác nhận ông Nặc không tiếp tục làm không, bà Xuân nói: “Lúc ấy tôi không nghĩ đến chuyện đó”.

Nói về việc có biên bản thống nhất gia đình ông Nặc sử dụng 5.539m2, bà Xuân cho biết: “Trước đây, ông Nặc nói với gia đình tôi là làm được cho nhà tôi thuê đất với thời hạn 50 năm nên tôi mới đồng ý như vậy, nhưng sau này ông ý không làm được”.

Do hoàn cảnh khó khăn, bà phải đi nhờ người làm cùng, tu sửa phần diện tích nói trên để sử dụng.

Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND xã Sông Khoai tổ chức buổi hòa giải giữa các hộ dân nhưng không thành rồi hướng dẫn người dân ra tòa để giải quyết, làm rõ vụ việc

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Khoai cho biết, phần diện tích đầm thì thuộc quản lý của gia đình ông Dũng bà Xuân. Còn việc giữa gia đình ông Nặc và gia đình bà Xuân góp vốn hay như thế nào thì xã không nắm được cụ thể.

Cũng theo ông Lượng, trước đây khi ông Nặc có ý kiến về việc tranh chấp thì xã cũng đã mời các hộ lên hòa giải nhưng không thành.

“UBND xã đã đứng ra hòa giải, nhưng các hộ dân không thống nhất được. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn người dân ra tòa để giải quyết, bên nào đúng bên nào sai”, ông Lượng nói.

Ngoài ra, ông Lượng cho biết thêm, việc tranh chấp giữa 2 hộ gia đình từ thời lãnh đạo trước. Hiện xã không tiếp tục giải quyết nên không nắm được cụ thể. Hồ sơ vụ việc cũng không được lưu trữ.

Quốc Phương (An ninh tiền tệ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.