25/08/2014 8:57 PM
Có đêm đang say giấc, bỗng nghe tiếng ầm ầm như "dội bom" ngay trên đầu, ông Mưu hoảng hốt bật dậy la lớn "chạy, chạy...". Tiếng kêu thất thanh không chỉ vợ, con ông Mưu; mà nhiều người khác đang ngủ kề bên cũng vội vàng phóng ra khỏi giường. Để rồi khi định thần trở lại, tất cả mới nhớ ra rằng: Mình đang ngủ dưới gầm cầu, tiếng động ầm ầm đó là do chiếc xe tải nặng chạy trên cầu gây ra.
Đầu "đội" xe, thân "mặc" bụi
Nơi cư ngụ của gia đình ông Mưu và 2 hộ ở gầm cầu vượt QL1A (phía bắc), xã Phổ Khánh
Gia đình ông Đỗ Quang Mưu (63 tuổi) và 2 hộ khác ở cùng thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ được sự vận động của các cấp ngành Đức Phổ, ngày 16-6 vừa qua đã tháo dỡ nhà cửa để giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL1A. Vì phần diện tích đất còn lại của gia đình sau khi bị giải tỏa chỉ khoảng 150m2, cho nên không nằm trong diện được cấp đất tái định cư (TĐC).
"Từ bao lâu nay, cuộc sống của vợ chồng, con cháu chủ yếu nhờ vào chiếc máy xay xát. Bây giờ nếu làm nhà thì không có chỗ để đặt máy làm nghề mưu sinh. Đó là chưa kể diện tích đất còn lại đó cũng nằm trong phạm vi của hành lang an toàn đường bộ. Nếu làm nhà lỡ mai mốt lực lượng chức năng đến yêu cầu tháo dỡ thì xem như mất trắng. Vì vậy tôi đã làm đơn xin được cấp đất trong khu TĐC nhưng chính quyền xã Phổ Khánh và huyện Đức Phổ bảo chờ xem xét, giờ đây gia đình tôi đành tạm trú ở gầm cầu", ông Mưu thở dài.
Diện tích đất còn lại sau khi giải tỏa cũng trên 100m2, tuy nhiên nơi rộng, chỗ hẹp và cũng không dám xây nhà vì nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ, vì vậy gia đình ông Phùng Văn Mừng, ở cùng thôn cũng chọn "gửi phận" dưới gầm cầu. Trên diện tích đất còn lại trước đây vốn đặt công trình phụ, giờ ông Mừng che tạm thêm mấy tấm tôn sát bên nhà tắm làm nơi để bàn thờ tổ tiên và vật dụng của gia đình.
"Ngoài phải chịu đựng tiếng động ầm ầm của hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày trên cầu, là tình trạng bụi đất mù mịt phủ vào người, do số phương tiện liên tục chở vật liệu thi công chạy qua lại", ông Mừng khổ sở khi nói về cảnh tạm bợ nơi gầm cầu.
Cần sớm xem xét nguyện vọng của dân
Còn tại khu vực giữa và đầu nam của cây cầu vượt này, suốt 9 tháng qua là nơi trú ngụ của 4 gia đình nằm trong diện giải tỏa của dự án cầu vượt. "Tuy đã được cấp đất TĐC, thế nhưng do đang là thời gian đỉnh điểm của việc giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp và mở rộng QL1A. Vì vậy nhu cầu sửa chữa nhà, công trình bị ảnh hưởng, tháo dỡ quá lớn. Cho nên số thợ xây "cháy hàng", dẫn đến ngôi nhà vẫn trong trình trạng dang dở chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành", ông Huỳnh Thạch Bàn (57 tuổi), một trong số hộ trên, bộc bạch.
Nhiều gia đình khác cũng phải sống ở gầm cầu vì nhà xây chưa xong
Biết là sống dưới gầm cầu nguy hiểm và ồn ào. Thế nhưng cũng đành chịu vì không ở đây thì biết ở đâu? Vùng này làm gì có nhà trọ để mà thuê. Mà cho dù có thì với số tiền được hỗ trợ để thuê nơi ở là 900.000 đồng/tháng cũng không đủ để trả. Dù may mắn thuê được nơi trọ, thế nhưng 14 hộ dân nằm trong diện giải tỏa của cầu vượt QL1A tại xã Phổ Châu, cùng huyện cũng dở khóc, dở mếu vì chưa được giao mặt bằng để làm nhà.
Nhiều người dân bức xúc phản ánh: Tiền hỗ trợ thuê nhà chỉ 6 tháng, nhưng nay đã qua đến tháng thứ 9 rồi mà không biết đến bao giờ mới được giao mặt bằng để làm nhà. Ông Huỳnh Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Châu, đại diện chủ đầu tư khu TĐC cho 14 hộ dân trên cho biết: "Việc xây dựng khu TĐC đã hoàn thành rồi. Thế nhưng thủ tục, giấy tờ vẫn chưa xong nên chưa giao. Tuy nhiên nếu hộ nào cần, thì xã cũng có thể bàn giao ngay đất để làm nhà. Lâu nay vẫn chưa có hộ nào kiến nghị cấp ngay đất để làm nhà".
Còn ông Trần Em, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: "Riêng với 3 hộ ở bắc gầm cầu Phổ Khánh, do không thuộc diện bố trí TĐC, cho nên hiện địa phương đang xem xét".
M.Phú (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.