Con đường dẫn vào ruộng bị các loại xe múc cày nát. Ảnh: HỮU LONG
Theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam về tổ chức thực hiện “dồn điền, đổi thửa” chỉnh trang đồng ruộng nhằm thuận lợi trong việc tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp, ngày 6.5.2014, UBND xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn) xây dựng phương án cải tạo đất ruộng tại 2 thôn Thanh Quýt 4, Thanh Quýt 5. Theo đó, 42 hộ dân trong 2 thôn có tổng diện tích 22.120m2 đất ruộng nằm trong diện tích cải tạo. Vị trí cải tạo tại khu vực Dây Tam, xứ đồng Trà Cổ.
Ông Nguyễn Hữu Hảo (53 tuổi, thôn Thanh Quýt 4) bức xúc, trong quá trình cải tạo, doanh nghiệp cho xe múc vào đào múc rất sâu, gây nên tình trạng lầy lội, ngổn ngang cỏ dại um tùm mà không trả lại nguyên trạng đất ruộng ban đầu để người dân canh tác. “Đồng ruộng thì ngổn ngang đất lồi lõm, nước ngập lênh láng. Muốn làm ruộng, dân tui phải thuê người về tự cải tạo mới có thể gieo sạ được nhưng vừa tốn kém lại vô cùng vất vả” - ông Hảo bức xúc. Tương tự, ông Đặng Văn Thành (57 tuổi, thôn Thanh Quýt 4) than thở: “Gia đình tui có 18 miệng ăn đều trông vào 1 sào 7 (1 sào bằng 500m2) thì nay đành cho người khác làm. Người ta thi công cải tạo kiểu chi mà đào ruộng nhà tui sâu hoắm, nước thủy lợi chảy vào mà chẳng có đường nào thoát ra. Có ngày tui huy động cả nhà ra tát nước để gieo sạ, nhưng sau một trận mưa thì bao nhiêu công sức đành đổ cả”.
Theo tìm hiểu, tại 2 thôn Thanh Quýt 4, Thanh Quýt 5, những năm trước đây, một sào đất ruộng người dân thu hoạch được trung bình 50 ang lúa thì nay gần như mất trắng. Còn nếu gieo sạ cũng chỉ “cầu trời đừng mưa” nếu không lúa giống sẽ úng hết.
Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung - cho biết: Trong hợp đồng cải tạo ruộng đất giữa UBND xã Điện Thắng Trung và ông Nguyễn Đức Điệp (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cao trình cải tạo chung là 0,5m, trong đó đất canh tác là 0,3m cải tạo và tầng dưới 0,2m cải tạo di chuyển để hạ thấp cao trình. Thế nhưng tại hiện trường, doanh nghiệp đã không tiến hành đúng theo quy trình cuốn chiếu. Ngược lại, họ vô tư đào phá đất ruộng và chôn lấp một cách cẩu thả, chắp vá. Có nơi bị đào sâu gần 1m, thấp hơn mặt bằng tại các thửa ruộng kề đó. Vì vậy, diện tích đất ruộng tại nơi có cao trình cải tạo sâu xuống gần 1m đành bỏ hoang vì ngập úng. Ông Thông nói: “Từ tháng 10.2015, xã và 2 thôn có giám sát quá trình cải tạo đồng của ông Điệp. Nhưng tháng 11, tôi bị ốm phải nhập viện nên không nắm được đơn vị thi công khai thác như thế nào”.
Trả lời câu hỏi hợp đồng giữa ông Nguyễn Đức Điệp với chính quyền xã đã kết thúc từ ngày 30.10.2015 nhưng đến ngày 1.6.2016, xe múc hoạt động đào đất? ông Thông nói: “Trong quá trình đơn vị cải tạo, có mưa, gió nên cần tiếp tục gia hạn để họ làm cho xong. UBND xã đã có tờ trình lên thị xã Điện Bàn tiếp tục gia hạn để ông Điệp tiếp tục cải tạo đất đến đầu quý I/2016”. Tuy nhiên, theo ông Thông nói cũng “chỉ mới nghe nói vậy thôi chứ chưa thấy gì cả (!?)”.
Ông Phạm Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng TNMT thị xã Điện Bàn - khẳng định: “Đến nay đơn vị thi công đã bàn giao mặt bằng cho người dân canh tác rồi mà, còn khoảng 2 sào chưa làm thôi, làm chi còn đất bỏ hoang. Xã phải nắm được đơn vị thi công mỗi ngày khai thác và lấy đi bao nhiêu đất chứ không thể nói là không nắm được, vì đó là trách nhiệm của xã Điện Thắng Trung”. Trong khi đó, đại diện Phòng Kinh tế (thị xã Điện Bàn) cho biết, phòng đã có tờ tình gửi UBND thị xã Điện Bàn cho phép doanh nghiệp cải tạo đất đến ngày 25.12.2015. “Đến nay, doanh nghiệp đã không còn cải tạo đất tại 2 thôn Thanh Quýt 4, Thanh Quýt 5” - vị đại diện phòng này nói.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hằng ngày hoạt động đào múc vẫn diễn ra tại khu vực cải tạo.