Một dự án tồn tại hơn 7 năm, 13 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, giải toả đã được di dời đến nơi ở mới. Trong khi nhiều hécta rừng dương của người dân đã bị đốn hạ, nhường đất cho dự án, thì một diện tích lớn đất nông nghiệp canh tác lúa nước đến nay vẫn tồn tại, được người dân địa phương tiếp tục canh tác nhiều năm nay…

Năm 2007, dự án Công ty Sài Thành bắt đầu quy hoạch, giải toả đất tại khu vực thôn 1A, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”. Trong khi nhiều khu vực khác, đất quy hoạch đã được doanh nghiệp giải toả, đền bù cho người dân thường được triển khai sản ủi, tạo mặt bằng phục vụ thi công thì tại đây, hàng chục hộ dân có đất nông nghiệp vẫn tiếp tục canh tác 7 năm nay, kiếm thêm lúa gạo.

Anh Lê Văn Hải, đang canh tác đất nông nghiệp trong vùng dự án, cho biết: ”Năm ấy giải toả, gia đình tôi rất khó tìm kiếm việc làm khi chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, với mấy sào ruộng chưa bị san ủi, mấy năm nay gia đình tôi gieo trồng, cũng kiếm đủ gạo sống qua ngày”.

Cạnh sào ruộng anh Hải là sào ruộng đang chuẩn bị vào vụ mùa mới của gia đình anh Trần Hường. Anh cho biết: ”May mắn là người ta không san ủi như đất rừng dương ngoài kia, nếu không thì biết bao nhiêu hộ dân như tôi có đất nông nghiệp tại đây cũng chẳng có đất mà gieo trồng kiếm lúa gạo bao năm qua”.

Hơn 7 năm qua, hàng chục hộ dân trong vùng dự án Công ty Sài Thành đã được chuyển đến nơi ở mới

Được biết, khi triển khai dự án, hàng chục hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đã được đền bù về đất nhà ở, đất hoa màu và cả diện tích đất nông nghiệp nêu trên. Thế nhưng, dù đã đền bù cho người dân, doanh nghiệp vẫn chậm triển khai thi công dự án trên địa bàn. Chính điều này đã vô tình giúp cho người dân có được diện tích đất nông ngiệp để tiếp tục canh tác trồng lúa nước.

Trong thực tế, có rất nhiều dự án khi bắt đầu triển khai được người dân chờ đợi, hy vọng sẽ nhanh chóng thi công và đi vào hoạt động. Nhiều dự án trong số đó khi bắt đầu triển khai thì doanh nghiệp ồ ạt san ủi mặt bằng, xong rồi để đó. Khi dự án đến thời hạn thu hồi đất thì doanh nghiệp trả lại đất cho nhà nước với diện tích đất đã bị san ủi, bỏ hoang lâu ngày.

Tuy nhiên, dự án trên khi triển khai, doanh nghiệp đã đền bù cho người dân nhưng lại chưa san ủi phần đất nông nghiệp. Người dân vui mừng khi họ vừa được nhận tiền đền bù, vừa tiếp tục được canh tác trên diện tích đất của mình.

Khu đất này trước kia là rừng dương liễu, bây giờ chỉ còn là bãi đất hoang.

Nhiều người dân tại địa bàn cho biết, họ rất muốn chính quyền địa phương các khu vực khác cân nhắc các dự án của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp triển khai, hứa hẹn và cam kết chắc chắn thi công thì mới cho doanh nghiệp san ủi mặt bằng. Nếu như doanh nghiệp lơ là, thì không nên để doanh nghiệp tự động san ủi mặt bằng. Vì nếu đó là dự án treo, diện tích đất đã bị san ủi khi nhà nước thu hồi đất cũng chỉ biết tìm cách giao đất lại cho doanh nghiệp khác, vì diện tích ấy đã không thể phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp hay nuôi trồng thuỷ sản của người dân như trước đó.

Phước Bình (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.