05/10/2016 1:17 PM
Sai lầm khi cấp phép đầu tư quá gần khu dân cư, tỉnh Quảng Nam buộc phải di dời nhà máy thép nhưng phải bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Ngày 5-10, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam diễn ra vào hôm qua (4-10), việc UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho phép di dời, đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (thuộc Công ty TNHH Thép Việt Pháp, gọi tắt là Công ty Việt Pháp) ở huyện Nam Giang đã được nhắc đến.
Ông Cường cho hay đã chỉ đạo cho ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo về vấn đề này.
Cũng theo ông Cường, hiện UBND tỉnh Quảng Nam mới cho chủ trương đi khảo sát địa điểm chứ chưa có quyết định chính thức. “Việc xây dựng nhà máy này phải đánh giá môi trường cho kỹ, đừng có để tái phạm giống như bây giờ. Phải đánh giá kỹ môi trường không để lại hậu quả, không có vì dự án mà ảnh hưởng môi trường” – ông Cường nói.
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 4-10 của Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam, Công ty Việt Pháp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 180.000 tấn/năm (gấp 3,75 lần so với hiện tại) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Vào ngày 28-9, Sở TN-MT đã tổ chức thẩm định báo cáo ĐMT dự án trên và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm tham gia thẩm định. “Ý kiến của các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện báo cáo ĐMT của dự án về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời dân, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án” – báo cáo nêu.
Việc cấp phép đầu tư nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông được xem là sai lầm của tỉnh Quảng Nam
Theo báo cáo ngày 3-10 của Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nhà máy thép Việt Pháp (thuộc Công ty Việt Pháp) ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đi vào hoạt động từ năm 2012, được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm.
Thời gian qua, người dân xung quanh phản đối vì nhà máy gây ô nhiễm. Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản về kế hoạch di dời nhà máy này vào tháng 1-2015, thị xã Điện Bàn đã phối hợp với công ty khảo sát địa điểm di dời. Ban đầu dự định xây dựng ở huyện Đại Lộc nhưng sau đó đưa lên huyện Nam Giang, khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đáng chú ý, theo kế hoạch di dời, Công ty Việt Pháp đề nghị nhà nước hỗ trợ 123,85 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, giữa chính quyền tỉnh Quảng Nam và Công ty Việt Pháp thống nhất áp dụng Điểm C, Khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ để Công ty Việt Pháp được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Như vậy, nhà nước buộc phải chi tiền để bồi thường cho nhà máy thép với số tiền chắc chắn không phải nhỏ. Trong khi đó, số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam cho thấy công ty này đóng thuế khá "èo uột". Cụ thể, năm 2014, công ty này nộp ngân sách chỉ 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.
Tr.Thường (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.