01/10/2012 3:47 PM
Lượng vốn giải ngân hiện nay đa phần xuất phát từ các dự án đã đăng ký trước đó. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lượng vốn giải ngân thời gian tới sẽ khó cao khi lượng vốn đăng ký đang giảm dần.

Vốn vào “đuối” dần

Với nền kinh tế “nghiện” vốn đầu tư như Việt Nam, trong khi chi tiêu công có xu hướng thắt chặt nên nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Thế nhưng, hiện khối tư nhân trong nước còn đang đối mặt với chồng chất khó khăn, vốn ngoại cũng có biểu hiện đảo chiều giảm lượng chuyển vào Việt Nam.


Số liệu thu hút FDI năm 2012 (triệu USD)

“Quan trọng là vốn giải ngân”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng vẫn thường trấn an như vậy mỗi lần được hỏi về con số vốn FDI đăng ký vì sao ngày càng “đuối” trong mấy năm trở lại đây.

Tính đến cuối tháng 9 này, cả nước mới thu hút được hơn 9,5 tỷ USD vốn FDI, giảm khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khả năng thu hút FDI cả năm nay sẽ khó đạt chỉ tiêu 15-16 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm, mà có lẽ chỉ cỡ khoảng 13-14 tỷ USD, một mức sụt giảm nặng nề nếu so với con số hơn 20 tỷ USD của các năm về trước.

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam hiện nay, song xét cả ở số vốn đăng ký, đã cho thấy sự “ngoảnh mặt” trong thời gian gần đây. Toàn bộ quý đầu năm 2012, Nhật Bản gần như là quốc gia đầu tư duy nhất vào Việt Nam, khi chiếm tới gần 89% tổng vốn đăng ký, tương ứng với 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, cả về lượng vốn tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong tổng vốn đều giảm dần qua các quý tiếp sau và đến quý III/2012, các con số tương ứng chỉ khoảng 520 triệu USD và tỷ lệ còn dưới một nửa.

Ngay cả vốn giải ngân cũng đang có những biểu hiện của sự dịch chuyển “ngược dòng” so với giai đoạn trước. Phân tích trên dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài đến thời điểm này, biểu hiện của dòng vốn FDI giải ngân cho thấy một xu hướng “chảy” chậm dần đang hình thành. Trong tháng 9/2012, số vốn FDI giải ngân chỉ đạt khoảng 820 triệu USD, là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng gần đây, đồng thời cũng thấp hơn mức giải ngân bình quân một tháng kể từ đầu năm đến giờ (bình quân 900 triệu USD/tháng). Đó là chưa kể, thông thường, số vốn FDI thực chuyển vào Việt Nam luôn thấp hơn khoảng 20-30% số công bố của Việt Nam. Như vậy, ước tính mới có khoảng 6-7 tỷ USD vốn giải ngân được các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào nền kinh tế trong 3 quý vừa qua.

Quan trọng hơn, lượng vốn giải ngân hiện nay đa phần xuất phát từ các dự án đã đăng ký trước đó. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lượng vốn giải ngân thời gian tới sẽ khó cao khi lượng vốn đăng ký đang giảm dần.

Môi trường đầu tư “mất điểm”

Cũng có ý kiến cho rằng, sự sụt giảm trong dòng vốn FDI là do kinh tế thế giới khó khăn, dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm. Điều đó đúng, những chưa đủ, bởi nhiều quốc gia láng giềng vẫn đạt được con số khá tốt. Vậy lý do chỉ là môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang mất đi tính hấp dẫn, nếu không muốn nói ra “rất có vấn đề”.

Vốn FDI đăng ký của Nhật Bản năm 2012

Quý I

Quý II

Quý III

Vốn đăng ký (tỷ USD)

2.3

1.9

0.5

Tỷ trọng so cả nước (%)

88.8

65.1

49.1

Đáng buồn là quan ngại kể trên có những dẫn chứng “nặng ký”. Cách đây không lâu, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocham) đã công bố báo cáo “sốc” về nhìn nhận bi quan của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Biểu hiện đáng quan ngại là góc nhìn tích cực về tình hình kinh doanh chỉ nằm trong số ít doanh nghiệp, nhưng đang có chiều hướng đi xuống. Trong khi đó, sự bi quan đang xâm lấn. Theo Eurocham, một phần không nhỏ doanh nghiệp cho rằng hoạt động kinh doanh có thể sẽ chứng kiến giai đoạn rất xấu trong ngắn hạn. Chiếm đến gần nửa số quan điểm nghiêng về cảm nhận tiêu cực. So với năm ngoái, chỉ còn một nửa số doanh nghiệp còn duy trì quan điểm mở rộng kinh doanh, nửa còn lại ‘trôi” về phía số đông tuyên bố giảm đáng kể đầu tư.

Nhìn nhận về những thay đổi trong cảm nhận của doanh nghiệp châu Âu, ông Preben Hjortlund - Chủ tịch EuroCham thậm chí quan ngại rằng, việc chỉ số về môi trường kinh doanh trong năm 2012 giảm điểm đã chỉ ra sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam, như là một điểm đến đầu tư.

Quan điểm của vị Chủ tịch này không phải là duy nhất. Cách đây ít ngày, Tổng giám đốc Công ty Mitsui Việt Nam (doanh nghiệp có vốn Nhật Bản) Motonobu Sato cảnh báo rằng, nhiều đồng hương của ông đã đầu tư vào Việt Nam tỏ ra quan ngại về tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài.

Một bằng chứng khác đó là Việt Nam liên tục bị tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thậm chí, năm nay Việt Nam còn bị tụt tới 16 bậc. Có những nguyên nhân “rất cũ” như thủ tục hành chính còn nặng nề, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực... Song có những yếu tố rất mới xuất phát từ những bất ổn vĩ mô, đặc biệt là lạm phát cao.

Cho nên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế thời gian gần đây, khả năng đánh mất cơ hội tận dụng tốt vốn ngoại trong phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày càng rõ ràng hơn, khi dòng vốn FDI toàn cầu đang hình thành một sự dịch chuyển ấn tượng đến một số quốc gia khác trong khu vực mà đích đến là Indonesia, Myanmar…

Trong bối cảnh đó, nguy hại hơn là các cơ quan quản lý của Việt Nam dường như vẫn “bình chân như vại”, bất chấp số vốn FDI đăng ký đang sụt giảm mạnh và kéo dài. Cảm nhận triển vọng đã xuống thì ngay cả dòng vốn giải ngân cũng có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Bởi vậy, những phát biểu như “quan trọng là vốn giải ngân” đang trở nên ngày càng lạc lõng.

Theo Anh Quân (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.