Những mặt hạn chế
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng có tầm quan trọng to lớn khi nó diễn ra trong suốt quá trình hình thành, triển khai thực hiện đến kết thúc dự án đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, nó quyết định hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nhằm tăng quyền chủ động cho các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng công trình nói chung và công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp cùng các Bộ, ngành soạn thảo và trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, như Nghị định 99/2007/NĐ-CP, Nghị định 112/2009/NĐ-CP, góp phần tích cực đẩy mạnh tốc độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án, giảm nợ đọng trong xây dựng các dự án có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước.
Tuy nhiên tình hình thực tế thời gian qua cho thấy, các quy định này mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, đó là quản lý chi phí đầu tư của các dự án sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên, mà chưa điều chỉnh các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong khi đó bản chất của loại hình dự án PPP cũng là thu tiền phí hoặc chi phí dịch vụ từ người dân.
Những quy định trước đây cũng chưa khắc phục được tình trạng chuyển giá của các chủ đầu tư ngoài Nhà nước, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, chưa đưa ra đầy đủ các nguyên tắc chung để các chủ thể liên quan đến đầu tư xây dựng biết, tuân thủ để mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn cho dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước.
Đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, việc phân cấp mạnh trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước trong những quy định trước đây đã dẫn đến tình trạng lạm quyền, hoặc ngược lại có những chủ đầu tư không dám đưa ra quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, gây khó khăn cho kiểm soát của các cơ quan Nhà nước cũng như làm tăng phí vốn đầu tư.
Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước
Theo ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Nghị định số 32/2015/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số quy định nhằm khắc phục những tồn tại của quy định trong Nghị định 112/2009/NĐ-CP như việc kiểm soát chi phí của cơ quan quản lý nhà nước trước khi triển khai thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư do biến động giá, điểu chỉnh cơ cấu dự toán và dự toán gói thầu, quản lý định mức, công bố chỉ số giá, chi phí quản lý dự án và đầu tư xây dựng, thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
Cụ thể, đối với tổng mức đầu tư xây dựng, Nghị định 32/2015/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về sơ bộ tổng mức đầu tư, cách xác định sơ bộ tổng mức đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư là một nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng. Báo cáo này chủ đầu tư phải lập trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư (thẩm quyền thẩm định dự án) có sự thay đổi so với các quy định trước nhằm bảo đảm dự án được kiểm soát bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước. Đối với dự án quan trọng quốc gia, Hội đồng thẩm định Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập chủ trì tổ chức thẩm định. Dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định. Dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư có góp vốn của Nhà nước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định.
Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình, Nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm soát chi phí trước khi triển khai đấu thầu nhằm hạn chế các sai sót xảy ra.
Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 32/2015/NĐ-CP. Thông tư 06 cũng đồng thời thay thế 3 thông tư hướng dẫn Nghị định 112/2009/NĐ-CP là: Thông tư số 04/2010/TT-BXD, Thông tư số 06/2010/TT-BXD và Thông tư số 02/2011/TT-BXD. |