Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ ý kiến xung quanh câu chuyện một số cựu lãnh đạo của Hà Nội chưa chịu trả lại nhà sau khi đã nghỉ hưu một thời gian dài.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, trước năm 1994, tức trước Nghị định 61 và Pháp lệnh Nhà ở, bất kể ai ở chức vụ gì, to hay nhỏ, nếu được cho phép, đều thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước cả.
"Khi ấy, chuyên viên, vụ trưởng, thậm chí thứ trưởng cũng đều ở nhà thuê ở Trung Tự, Giảng Võ... cả, làm gì đã có khái niệm rõ ràng về nhà công vụ. Nhiều vị chức vụ cao cấp của Nhà nước, do nhu cầu công việc, được phân ở trong biệt thự hay một người nào đó ở tỉnh khác về Hà Nội làm lãnh đạo, cấp nhà cho họ ở, thì cũng là bình thường.
Ở thành phố, trước kia cũng có một số người ở biệt thự nhưng là ở chung. Tôi được biết cố Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng từng ở được ở biệt thự riêng, còn cố Chủ tịch TP Trần Vỹ và một phó chủ tịch khác ở chung trong một biệt thự, sau này một người dọn đi. Còn lại, ngày xưa bộ trưởng cũng chỉ được phân phối 100m2 là cùng, như tôi thứ trưởng cũng chỉ có 50m2. Cách tính 50m2 hồi ấy là không kể bộ phận công trình bếp, vệ sinh. Lúc ấy gọi là phân phối nhà ở chứ không ai nói là nhà công vụ vì Nhà nước cho thuê và có thể đòi lại. Nhà công vụ chỉ mới thành văn bản vào năm 2005 trong Luật Nhà ở.
Đến năm 1994 bắt đầu thực hiện hoá giá nhà, bán nhà của Nhà nước cho những người đang ở thuê, nói chung là đều được bán trừ những người ở trong biệt thự. Nhưng đấy là những người ở Hà Nội thôi, chứ những người ở TP.HCM, như học giả Trần Văn Giàu cũng có một biệt thự do Nhà nước phân phối, sau khi hoá giá nhà thì bán cho ông. Về sau, ông không cần ở nên bán đi được rất nhiều tiền. Hồi ấy báo đăng học giả Trần Văn Giàu đưa ra 1.000 lạng vàng làm giải thưởng về sử học chính là nhờ số tiền bán biệt thự ấy. Nhiều người khác cũng thế, như ông Dương Quang Đông chẳng hạn".
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa
Đối với trường hợp căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa của ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Liêm thẳn thắn cho rằng đó là sự vô lý bởi ông Nghiên vốn đã có nhà rồi.
"Ông Nghiên là người Hà Nội chứ không phải ở nơi khác về. Tôi xin nói một trường hợp khác là ông Lê Ất Hợi, cũng từng là Chủ tịch của Hà Nội, có ai phân phối nhà hay biệt thự nào cho ông ấy đâu. Sau khi về hưu, ông ấy mua 1 căn hộ chung cư. Tại sao ông Nghiên lại ở biệt thự?".
"Nhiều bộ trưởng cũng chẳng được ai cấp biệt thự, không hiểu tại sao Hà Nội tự dưng lại có chế độ ấy. Còn như Bộ trưởng Xây dựng của chúng tôi trước đây, ông Nguyễn Mạnh Kiểm chẳng có ai cấp biệt thự cho, giờ vẫn sống trong chung cư", ông Liêm nói.
Về trường hợp căn nhà số 52 Tuệ Tĩnh của ông Phan Văn Vượng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Liêm nhìn nhận: "Nếu không có nhà ở nào khác mà ông Vượng ở đó thì cũng là thuê nhà của Nhà nước, nên cho ông thuê. Dĩ nhiên bây giờ ông ấy thuê phải là theo giá thương mại chứ không phải giá bao cấp ngày xưa. Còn nếu ông Vượng có nhà ở khác rồi thì phải trả lại".
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, quy định của Việt Nam còn rối rắm, chưa thật rành mạch bởi dù năm 2005 đưa nhà công vụ vào Luật nhưng mãi tới năm 2010 mới có hướng dẫn bằng nghị định, cho nên cũng không nên trách các vị cựu quan chức nói trên.
"Nhưng như trường hợp ông Nghiên, đã có nhà cửa yên ổn thì phải trao lại cho TP. Bây giờ TƯ cử một người ở tỉnh khác về làm chủ tịch TP, nếu người đó chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình ở Hà Nội thì cũng phải có nhà cho ông ấy ở. Nếu Hà Nội không thu hồi thì lấy đâu ra mà cấp?", ông chỉ rõ.
Bởi vậy, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, phải rà soát lại, phải có một quy chế rõ ràng. "Theo Luật Nhà ở mới, cán bộ công chức từ cấp thứ trưởng trở lên mới được thuê nhà công vụ, hoặc cán bộ công chức nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ".