Hơn hai năm trước, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã được các chuyên gia đề xuất trong quá trình phản biện dự án sân bay Long Thành nhưng đã bị bỏ qua vì những lý do rất khó hiểu.
Hành khách làm thủ tục bay tại nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất.
Ngày 20/1, tại cuộc họp lần thứ 5 giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chọn phương án sử dụng quỹ đất của Bộ Quốc phòng xây hai nhà ga T3 (lưỡng dụng), T4 và các đường lăn, nâng công suất của sân bay từ 25 triệu lượt khách lên 43-45 triệu lượt khách/năm.
Suýt bị “khai tử”
Ngày 12/12/2013 tại kỳ họp HĐND TPHCM, trả lời các đại biểu, nguyên chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói cần phải di chuyển, sắp xếp lại sân bay TSN vì trên thế giới có rất ít sân bay nằm trong nội thành. Sân bay TSN chỉ cách trung tâm thành phố 13 km đường bộ và 5 km đường chim bay, hàng ngày máy bay lên xuống gây tiếng ồn cho nhà dân và không đảm bảo an toàn. Cố Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cũng nói rằng trên thế giới không sân bay nào quy mô trên 10 triệu khách lại nằm trong thành phố.
Tháng 3/2015, tại một hội thảo khoa học, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không (trường Đại học Bách Khoa TPHCM) đã chỉ ra sự phát triển đô thị lớn thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ và du lịch phải đi đôi với sự phát triển sân bay. Có đến 29 trong số 100 sân bay lớn đông khách nhất thế giới năm 2011 chỉ cách trung tâm thành phố từ 10 km trở xuống.
Các thành phố lớn nổi tiếng thế giới như London, Singapore, Hồng Kông, Tokyo, New York... đều có những trung tâm hàng không với những sân bay lớn đông khách. Ở Việt Nam sự phát triển mạnh mẽ của TP Đà Nẵng trong 50 năm qua là nhờ có sân bay Đà Nẵng.
“Ở các nước tiên tiến vấn đề tiếng ồn mà dân cư ở khu vực sân bay phải chịu đựng được giảm bớt bằng cách hạn chế giờ bay vào giữa khuya. Mặt khác tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng làm giảm tiếng ồn của động cơ phản lực để ở khoảng cách 700 m nó chỉ bằng với tiếng ồn của ô tô ở khoảng cách 10 mét”, ông Tống nói.
ThS Nguyễn Phụng Tâm Phúc, Kỹ sư trưởng Hàng không Emirates, sân bay Kennedy (New York, Mỹ) cũng cho biết nhiều nước sẵn sàng tốn rất nhiều tiền đắp sông, lắp biển để có vị trí và diện tích hữu dụng xây dựng sân bay gần trung tâm thành phố.
“Ta lại có lợi thế cạnh tranh như vậy lại ngại tốn thêm tiền của để tái đầu tư, mở rộng và phát triển. Chúng ta thường đổ lỗi TSN nằm trong khu dân cư đông đúc nhưng quên rằng sân bay có từ trước, trong không gian thoáng đãng. Do quy họach dân cư, và phát triển bát nháo đã làm không gian TSN bị thu hẹp. Các cơ quan quản lý có lỗi, chứ TSN không có lỗi. Không có TSN, TPHCM và các tỉnh miền Nam sẽ thành bị động trong giao thương, kinh tế, chính trị và quân sự, nhất là mất đi ngõ cứu sinh tức thời khi cần cứu trợ, tiếp tế khi có thiên tai địch họa…”, ông Phúc nói.
Đề xuất mở rộng dưới đất…
ThS Nguyễn Phụng Tâm Phúc khi ấy đề xuất đầu tư để sử dụng triệt để diện tích sân bay TSN, phối hợp khai thác đồng bộ với các sân bay lân cận như Cần Thơ, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Nẵng… để giảm tải và điều tiết họat động cho TSN.
Theo ông Phúc, mở rộng và phát triển TSN sẽ tiết kiệm, mang lại lợi ích và hiệu quả nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển hiện tại, cũng như trong tương lai cho 30 - 40 năm nữa. Sử dụng quỹ đất của TSN một cách thông minh, đầu tư làm mới TSN một cách nghiêm túc, chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có vị thế không kém sân bay Changi (Singapore).
PGS TS Nguyễn Thiện Tống cũng chỉ ra TPHCM không thể thiếu sân bay TSN và với diện tích 1.500 ha, chỉ cần mở rộng thêm rất ít thì sân bay hoàn toàn có thể tăng năng suất lên từ 60-100 triệu khách/năm đáp ứng nhu cầu trong vòng 50 năm tới
Theo ông Tống, tính toán năng suất sân bay căn cứ vào ba yếu tố quan trọng nhất có vai trò quyết định, đó là đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách.
Trước năm 2007, khi nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa của TSN còn sử dụng chung cơ sở vật chất trên diện tích của nhà ga nội địa hiện nay, năng suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 15 triệu khách/năm. Sau khi có nhà ga quốc tế mới (năng suất 15 triệu khách/năm) vào tháng 8/2007, toàn bộ nhà ga quốc tế cũ và nhà ga nội địa cũ được nhập lại thành nhà ga nội địa mới, có thể phục vụ 10 triệu khách/năm, thì tổng năng suất của cả hai nhà ga là 25 triệu khách/năm.
Cuối năm 2011, nhà ga nội địa được nâng cấp và mở rộng nhằm tăng năng suất lên khoảng 15 triệu khách/năm thì tổng năng suất cả hai nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất là 30 triệu khách/năm. Như vậy, năng suất thiết kế của TSN không phải là một con số cố định mà thay đổi nhiều lần và tăng gấp đôi trong thời gian từ 2007 đến 2011.
Ông Tống cho rằng: Việc “tắc nghẽn” dưới mặt đất được giải quyết chủ yếu bằng cách xây thêm sân đỗ máy bay, đường lăn và nhà ga phục vụ hành khách. Tổng diện tích sân bay của Tân Sơn Nhất hiện nay là 1.500 ha tính chung cả phần dân sự và quân sự. Với diện tích 850 ha dành cho dân sự hiện nay, nếu quản lý, vận hành một cách khoa học, năng suất của TSN có thể đạt từ 42-55 triệu khách/năm.
Nếu mở rộng lên 1.200 ha thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 61-72 triệu khách/năm và nếu sử dụng cả 1.500 ha thì năng suất nâng lên từ 60-100 triệu khách/năm.
Đề xuất của các chuyên gia không khác so với những phương án “chữa cháy” đang đề xuất nhưng tiếc thay hai năm trước đã không được các Bộ Ngành liên quan xem xét một cách thấu đáo với lý do không thể nâng công suất dưới mặt đất của TSN vì … tắc nghẽn trên trời. Lý do này mới đây đã được chính Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT “vạch trần” là không thuyết phục.
Huy Thịnh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.