11/11/2018 9:14 AM
Hà Nội hiện có hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai thời gian dài, tuy nhiên, việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, không loại trừ việc các chủ đầu tư lợi dụng “kẽ hở” trong các quy định của pháp luật, đặc biệt việc xin điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục chây ì.

Tòa chung cư CT6C Kiến Hưng (Hà Đông) được xây dựng không phép, không quy hoạch giữa Thủ đô.
 
Xin điều chỉnh rồi... ngồi chờ
 
Thành phố Hà Nội vừa yêu cầu kiểm tra, theo dõi, xử lý với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn. Trong số này, có nhiều công trình xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị, bệnh viện... Việc rà soát xử lý 39 dự án này được thực hiện sau khi HĐND thành phố Hà Nội tiến hành giám sát và tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
 
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thành phố lên tới 383 dự án. Nhiều quận, huyện có hàng chục dự án vi phạm, thậm chí ngay các quận nội thành cũng có dự án vi phạm. Các huyện Mê Linh, Hoài Đức... có hàng chục dự án bỏ hoang, chưa triển khai. Có dự án lãnh đạo địa phương cũng không biết của ai. Riêng địa bàn Hoài Đức, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt vấn đề, có những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, triển khai vì còn chờ “huyện lên quận”.
 
Trong đợt giám sát mới đây, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, có quá nhiều dự án không đưa vào sử dụng, thậm chí sử dụng sai mục đích, một số dự án trở thành các bãi đỗ xe cho thuê, thu lợi nhuận trong khi chẳng phải làm gì.
 
“Họ chờ thời cơ để có cơ hội mới làm. Những trường hợp đó là vi phạm luật đất đai. Trường hợp nào cố tình vi phạm, năng lực tài chính không có, cố tình đánh võng, mua bán, chuyển nhượng dự án. Chúng ta phải có thái độ dứt khoát, kiến nghị các sở, ngành, thành phố xử lý”, ông Nam nói. Ông Nam ví dụ, có nhiều trường hợp từ năm 2009, một lần xin điều chỉnh kéo dài 6 năm, đến nay tiếp tục xin điều chỉnh thêm nữa. Các chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác bằng cách lẩn tránh, xin điều chỉnh quy hoạch rồi lại tính từ thời điểm quy hoạch để hợp thức hóa việc chậm triển khai quy hoạch.
 
Ông Nam nhắc tên công trình CT6C Kiến Hưng (Hà Đông). Theo ông Nam, theo quy hoạch 1/500 chỉ có 2 tòa nhà, nhưng chủ đầu tư làm thêm một tòa nhà nữa, xây thêm cả nhà liền kề. “Chúng ta lại điều chỉnh lại quy hoạch cho họ à? Như 8B Lê Trực, chỉ có thêm chiều cao, thêm phần nhô ra, chúng ta đã cắt xén rồi. Ở đây thêm cả một tòa nhà, sai quy hoạch thì xử lý thế nào đây? Các đồng chí hợp thức hóa nó à?”, ông Nam nêu câu hỏi.
 
Lợi dụng kẽ hở để trục lợi?
 
Trong phiên giải trình về các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố mới đây, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt vấn đề, phải chăng các chủ đầu tư dự án lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cụ thể là việc điều chỉnh quy hoạch để chậm đưa đất vào sử dụng. Các đại biểu HĐND phân tích, mỗi lần xin điều chỉnh quy hoạch sẽ có được thời gian “vài năm” để tiếp tục chờ đợi, chây ì, nghe ngóng thông tin... Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, để triển khai một dự án, đầu tiên phải là công tác quy hoạch.
 
“Cho nên, khi dự án chậm, nguyên nhân là do chủ đầu tư cố tình chứ không phải do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch”, ông Vinh nói. Ông Vinh cũng thừa nhận, có một số dự án khi quy hoạch được duyệt rồi nhưng không triển khai mà tính chuyện xin điều chỉnh. “Nguyên nhân của việc này thì phải thông qua kiểm tra mới trả lời được”, ông Vinh nói. Ông Vinh cũng nêu một số trường hợp như ở Hà Tây, khi sáp nhập thì nhiều dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch mới.
 
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam không đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở QH&KT Lê Vinh. Theo ông Nam, HĐND thành phố đặt vấn đề có việc chủ đầu tư các dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài việc đưa đất vào sử dụng.
 
“Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 - 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng”, ông Nam nêu ví dụ.
 
Theo ông Nam, vấn đề ở đây là Sở QH&KT có tham mưu cho thành phố, đối với các chủ đầu tư cố tình chống đối thì nếu cần thiết, phải kiên quyết thu hồi. Trao đổi lại vấn đề này, ông Lê Vinh cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận có việc xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian, chây ỳ, không triển khai dự án. “Cái này phải tổ chức thanh tra, kiểm tra mới kết luận được”, ông Vinh nói.
 
Theo ông Vinh, đứng ở góc độ quy hoạch, khi quy hoạch cấp trên có sự điều chỉnh thì chủ đầu tư theo luật có điều kiện, có cơ sở để đề nghị thay đổi. Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Việc có nhiều dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai có nguyên nhân chủ quan đến từ các cấp, các ngành trong việc hậu kiểm, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quyết liệt. Đặc biệt, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu...
  • Quy hoạch xây dựng tỉnh: Bỏ hay giữ?

    Quy hoạch xây dựng tỉnh: Bỏ hay giữ?

    Trước các ý kiến trái chiều về việc bỏ hay giữ quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Quốc hội đã tổ chức thêm một phiên thảo luận trong chiều 9/11. Tuy nhiên, cũng như hai lần thảo luận trước đây, các đại biểu tiếp tục tranh luận “căng” với những quan điểm khác nhau, dù UBTVQH bày tỏ lo ngại “bỏ quy hoạch xây dựng có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội”.

Trường Phong (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.