15/09/2012 10:35 PM
Ngày 13-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra hai quyết định quan trọng: Một là, áp dụng chương trình nới lỏng định lượng mở bằng việc mua vào các chứng khoán thế chấp với mức 40 tỷ USD mỗi tháng cho tới khi thị trường việc làm cải thiện; Hai là, giữ nguyên lãi suất cơ bản gần bằng 0% cho tới giữa năm 2015, thay vì cuối năm 2014 như những cam kết trước đây. Dư luận quốc tế đang quan tâm đến hiệu quả của gói kích thích kinh tế mới đối với nền kinh tế đầu tàu của thế giới như thế nào?

Khi công cụ lãi suất không còn hiệu lực

Thông thường trước đây, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm chạp kéo dài, FED sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để có thể đẩy mạnh tốc độ cho vay và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất (gần 0%) nhưng vẫn chưa vực dậy được nền kinh tế.

Khi công cụ lãi suất không còn hiệu lực, Ngân hàng trung ương Mỹ nghĩ đến việc sử dụng các gói kích thích (QE). Với công cụ này, FED có thể mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác. Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền. Đó là những gì có thể diễn ra trong tương lai.

Công cụ QE thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ ?

Vào cuối tháng 11-2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính, FED đã tung ra gói kích thích đầu tiên (QE1) nhằm mua vào các MBS và trái phiếu kho bạc để có thể thúc đẩy nền kinh tế. Đến tháng 8/2010, khi FED cho rằng số lượng tiền bơm vào thị trường đã đủ. Tuy nhiên, sau khi FED ngừng hành động thì nền kinh tế lại bắt đầu yếu đi. Vì thế, FED lại khởi động lại chương trình tiếp theo với mức mua vào khoảng 600 tỷ USD tài sản được gọi là QE2.

Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, QE1 đã tỏ ra hữu hiệu khi ngăn chặn nền kinh tế rơi vào cuộc đại suy thoái. Đây thực sự là “gói kích thích niềm tin” khổng lồ. Nền kinh tế tuy không còn lao dốc, nhưng lạm phát lại dần tăng lên. Hiệu quả của các gói kích thích giảm dần theo thời gian. Khiến niềm tin vào công cụ QE cũng bắt đầu suy giảm.

Lần này cũng vậy, mục tiêu của QE3 là hạ thấp lãi suất dài hạn và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ trở về đúng quỹ đạo. Trong tuyên bố của mình FED cho rằng, nếu không có hành động trên, tăng trưởng kinh tế sẽ không đủ mạnh để cải thiện thị trường việc làm. Vì thế, quyết định đã được thông qua với 11 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

Giá cả tăng vọt

Ngay sau khi FED quyết định chi 40 tỷ USD mỗi tháng để mua chứng khoán thế chấp nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thị trường hàng hóa đồng loạt tăng vọt, trong đó bao gồm cả chứng khoán Mỹ. Chốt phiên giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhảy lên mức 206,51 điểm, tương ứng 1,55%, lên 13.539,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,43 điểm, tương ứng 1,63%, lên 1.459,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 41,52 điểm, tương ứng 1,33%, lên 3.155,83 điểm. Đây đều là mức cao nhất trong vòng 5 năm của cả 3 chỉ số.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ với 8,14 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao nhất kể từ phiên 22/6. Trên sàn New York, mỗi 4 cổ phiếu tăng giá thì có một cổ phiếu giảm, còn ở sàn Nasdaq tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm là 5/2. Đáng chú ý nhất trong phiên, là cổ phiếu của Apple đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, cổ phiếu của Exxon Mobil cũng đứng ở mức cao nhất trong vòng bốn năm.

Hiệu quả của QE3 vẫn còn phải chờ

Như vậy, sau nhiều tháng chờ đợi cùng với những đồn đoán khác nhau, FED đã tung ra gói QE3 hôm 13-9. FED đã cam kết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% ít nhất là cho đến giữa năm 2015, đồng thời sẽ mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng và việc nới lỏng định lượng mới này sẽ là không giới hạn. Đây là sự thay đổi quan trọng so với hai lần trước.

FED tuyên bố nếu như triển vọng của thị trường lao động không được cải thiện bền vững, Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tiếp tục mua vào các MBS và thực hiện thêm các biện pháp phù hợp cho đến khi đạt được mục tiêu. FED còn lưu ý rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều chuyên gia vẫn cho rằng FED không nên thực hiện QE3 bởi gói nới lỏng định lượng mới sẽ không hiệu quả và có thể còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế. Vì như hai gói QE trước đây hiệu quả đã không được như mong đợi.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, các gói QE trước được đưa ra khi các mối đe doạ về khả năng suy thoái hoặc giảm phát xuất hiện. Còn hiện nay, nền kinh tế chỉ đang phục hồi chậm chạp, ngay trên thị trường nhà đất cũng đã có những dấu hiệu phục hồi.

Mặc dù vậy, FED có thể vẫn tuyên bố “tiếp tục mua tài sản và sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát chạm mốc 3% hoặc tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 7%” thay vì cách nói trước đây “sẽ mau vào 600 tỷ USD và hi vọng điều đó sẽ giúp ích”.

Như vậy, hiệu quả của các gói QE luôn là đề tài gây tranh cãi từ nhiều tháng nay. Nhưng dù sao QE3 cũng đã dấy lên sự hy vọng và thêm niềm tin vào tương lai của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vì thế, câu trả lời QE3 có thực sự kích thích nền kinh tế và giúp nước Mỹ thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay hay không, vẫn còn đang ở phía trước.

Theo Nguyễn Nhâm (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: FED, QE3