02/01/2019 9:19 AM
CafeLand - Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018 là năm có nhiều đột phá, kết quả vượt bậc, 12 chỉ tiêu kế hoạch được hoàn thành, trong đó 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt số đã báo cáo Quốc hội (6,8%), cao nhất kể từ năm 2008; GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD (đã báo cáo Quốc hội là 2.540 USD).

Khu vực nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất kể từ năm 2012. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,85%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,98%, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 7,03%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với 2018.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp CPI ở mức dưới 4%. Chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt trên 60 tỉ USD.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt trên 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017. Bội chi NSNN được kiểm soát ở mức 3,6%. Nợ công trong giới hạn cho phép.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%, tương đương 33,5% GDP. Vốn đầu tư tư nhân tăng 18,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 35,5 tỉ USD; giải ngân đạt 19,1 tỉ USD, tăng 9,1%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỉ USD, tăng 13,8%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 237,5 tỉ USD, tăng 11,5%; xuất siêu 7,2 tỉ USD.

Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều công trình trọng điểm, công trình lớn được hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Hạ tầng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa ước 38,4% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 38-40%). Sản xuất và cung ứng điện tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 58,6%, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 23-23,5%.

Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 43,5% (giai đoạn 2011-2015 là 33,6%).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với việc cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực có bước chuyển biến và đạt những kết quả quan trọng. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản, chuyển đổi đất lúa sang các loại vật nuôi, cây trồng khác, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, có 61 huyện và trên 42% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra (38,8%).

Ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được định hình; nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục được nâng lên; Việt Nam xếp thứ 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước đến nay.

Đi cùng với những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm 2018. Cụ thể, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Ví dụ tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực.

Sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực còn khó khăn. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm. Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hiệu quả hoạt động còn thấp. Buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng nhận định, nhiệm vụ của năm 2019 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân cả nước.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.