13/07/2017 7:54 AM
1.999,62 tỷ đồng đã được bố trí để xây dựng các phòng học của trường mầm non từ cuối năm 2015 song vẫn còn 698,704 tỷ đồng chưa được sử dụng và đến nay Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này là chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp.
Nhận định này được Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu tại báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 của chương trình kiên cố hoá trường lớp học.
Tiếp tục phiên họp thứ 12 - phiên họp đầu tiên sau nhiều năm không có sự tham dự của báo chí - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.
Thông cáo về phiên họp cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 đã cho phép bố trí 1.999,62 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học của trường mầm non thuộc các huyện nghèo. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao trong năm 2016 và dự kiến giao trong năm 2017 là 1.300,916 tỷ đồng. Số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao là 698,704 tỷ đồng.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng 698,704 tỷ đồng đầu tư xây dựng 880 phòng học mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ- CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của nghị quyết này.
Số vốn này chủ yếu dự kiến để lại cho các địa phương đã được phân bổ trước đây nhưng chưa sử dụng để tiếp tục đầu tư các phòng học mầm non, không điều chuyển cho các địa phương khác.
Riêng 21,316 tỷ đồng là kinh phí tiết kiệm của 6 tỉnh (Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Quảng Nam, Gia Lai), Chính phủ dự kiến điều chuyển cho tỉnh Thanh Hóa do 6 địa phương này không đề xuất bổ sung xây dựng phòng học mầm non.
Ngoài ra, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các địa phương kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018.
"Phê" Chính phủ chậm trễ, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, thực tế nhu cầu đầu tư phòng học mầm non giai đoạn 2016- 2025 là rất lớn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, mới chỉ đáp ứng được một phần (6000/31.328 tỷ đồng). Vì thế việc trình chậm của Chính phủ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn.
Cơ quan thẩm tra đề nghị các cơ quan tham mưu cần rút kinh nghiệm trong công tác phân bổ và theo dõi việc sử dụng vốn kịp thời.
Đối với 21,316 tỷ đồng là kinh phí tiết kiệm của 6 tỉnh dự kiến điều chuyển cho tỉnh Thanh Hóa, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trao đổi, tạo sự đồng thuận với các địa phương trước khi điều chuyển, phân bổ phần vốn này.
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cho phép các địa phương được kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018 để bảo đảm đủ thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao vốn theo quy định.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra chỉ ra trong danh mục bổ sung các dự án đầu tư kèm theo tờ trình của Chính phủ có nhiều trường, lớp học dự kiến được đầu tư từ nguồn vốn này có thời gian dự kiến khởi công, hoàn thành trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2017 là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh để bảo đảm chính xác, phù hợp, khả thi trong triển khai thực hiện.
Theo thông cáo gửi báo chí, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý điều chỉnh danh mục mức vốn là 698,704 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 880 phòng học theo đề nghị của Chính phủ nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc các đối tượng được sử dụng vốn phải là trường mầm non thuộc các huyện nghèo và thuộc diện nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.
Cho phép các địa phương được kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018 để bảo đảm đủ thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao vốn theo quy định.
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân tiến độ phân bổ vốn chậm, nhất là thủ tục phân bổ, thủ tục đầu tư.
Một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, tránh tình trạng đọng vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành thủ tục mẫu, hồ sơ mẫu, đặc biệt cần thiết kế phòng học mẫu để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư, giao vốn.
Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.