Việc phá bỏ hay cải tạo ngôi chợ có hình hoa sen nở - biểu tượng đặc sắc của TP du lịch - đều gặp phản ứng.

Những ngày qua, câu chuyện về số phận của chợ Đầm tròn (còn gọi là chợ Đầm) lại nóng lên ở Nha Trang khi UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lấy ý kiến trước khi đưa ra quyết định cho tồn tại hay phá bỏ ngôi chợ này. Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đang tiếp thu, tập hợp các ý kiến và sẽ đưa ra Thường trực UBND tỉnh để có quyết định cuối cùng về số phận ngôi chợ.

Nghiêng về việc đập bỏ

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần lấy ý kiến về dự án chợ mới và vấp phải sự phản đối quyết liệt của tiểu thương. Các tiểu thương đã nhiều lần bãi thị phản đối việc phá bỏ chợ cũ. Sau đó cuối tháng 7-2015, UBND tỉnh đồng ý không phá bỏ nhưng khoảng hai tháng sau, tỉnh này đưa ra hai phương án.

Một là thực hiện theo phương án, thiết kế của chủ đầu tư dự án chợ Đầm mới (Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 8-2013. Theo đó, chợ Đầm hiện hữu sẽ bị phá bỏ để làm chợ đêm, công viên, sân bãi. Khu nhà chợ mới sẽ cao ba tầng (hình vòng cung, rộng hơn 9.700 m²) được xây phía sau khu nhà chợ hiện nay. Một phương án khác là giữ lại chợ nhưng không cho kinh doanh mà dùng làm nơi trưng bày, giới thiệu tiềm năng kinh tế, quảng bá thương mại, du lịch của Nha Trang.

Theo yêu cầu của tỉnh, Công ty Sông Đà Nha Trang đưa ra phương án cải tạo chợ Đầm với kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. Tuy vậy, UBND tỉnh cho rằng việc giữ lại chợ cũ sẽ làm giảm độ thông thoáng, khang trang của toàn dự án. Tương tự, việc xử lý kỹ thuật, kiến trúc giữa công trình cũ và công trình mới phức tạp, làm giảm sự đồng bộ, hài hòa và kinh phí cải tạo tốn kém...

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, UBND tỉnh Khánh Hòa giao chủ đầu tư phối hợp lấy ý kiến góp ý của các tiểu thương về hai phương án nêu trên.


Khu chợ Đầm tròn có nguy cơ bị phá bỏ. Ảnh: TẤN LỘC

Đập bỏ hay cải tạo đều lãng phí

Hiện hầu hết các tiểu thương Nha Trang vẫn không đồng tình cả hai phương án. Theo họ, từ hơn 40 năm nay, chợ Đầm đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Nha Trang, thu hút nhiều du khách. “Đây không chỉ là một biểu tượng của TP du lịch Nha Trang mà còn là một thương hiệu giá trị từng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Từ hàng chục năm nay, tiểu thương đã kinh doanh ổn định, trật tự ở chợ. Chúng tôi mong muốn giữ lại khu chợ Đầm để tiếp tục kinh doanh và từ đó bảo tồn một khu chợ truyền thống nổi tiếng” - bà Ngô Thị Bình, một tiểu thương ở chợ Đầm, đề nghị.

Tương tự, bà Trần Thị Thanh Thảo, tiểu thương ngành vải, khẳng định các tiểu thương sẵn sàng đóng góp kinh phí tu sửa lại chợ cho sạch đẹp hơn, hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy tốt hơn. Bà Bình và nhiều tiểu thương khác còn cho rằng việc biến khu chợ Đầm thành trung tâm triển lãm, quảng bá thương mại, du lịch sẽ gây lãng phí lớn.

Được biết các chuyên gia Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh khi được tỉnh lấy ý kiến phản biện về dự án xây mới chợ Đầm cũng không đồng tình với các phương án của tỉnh. Kiến trúc sư Bùi Dũng cho rằng giữ lại chợ Đầm là hợp lý. Còn nếu biến nó thành trung tâm quảng bá du lịch là không khả thi và lãng phí.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, hiện là chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, khu chợ Đầm là công trình kiến trúc tiêu biểu của Nha Trang. Khu chợ chính có thiết kế đặc sắc, mang tính nghệ thuật cao với hình hoa sen nở, không trùng lắp với công trình kiến trúc nào khác. Công trình này còn có tính lịch sử khi được xây dựng theo hình khu đầm nước ăn thông ra sông Cái trước đây. Du khách đến đây có thể chiêm nghiệm một địa danh gắn với nhiều giai đoạn lịch sử. “Đến nay, khu chợ Đầm chỉ mới sử dụng trên 40 năm, trong khi công trình này phải trên 100 năm. Chợ này vẫn còn giá trị sử dụng song dùng một diện tích lớn của chợ hiện nay để trưng bày sản phẩm, dịch vụ thì không phù hợp” - ông Lộc nhận định.

Tấn Lộc (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.