18/08/2012 8:30 AM
Phân khúc căn hộ cao cấp đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số sản phẩm bất động sản tồn kho. Làm cách nào để thanh lý, thu hồi vốn là bài toán đau đầu cho các chủ đầu tư.

Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 150.000 căn hộ chưa bán được, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, do thiếu kế hoạch về định hướng nguồn cung và một phần khó khăn về chính sách, nên phần lớn sản phẩm bất động sản đang tồn kho đều có diện tích lớn và thuộc phân khúc giá trung bình hoặc cao cấp.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn Bất động sản Info cũng chỉ ra rằng, nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư quá nhiều vào phân khúc căn hộ cao cấp, không phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn khách hàng.

Lượng căn hộ cao cấp rất lớn, trong khi nhu cầu sở hữu thực và khả năng chi trả chỉ tập trung vào một bộ phận rất nhỏ khách hàng, nên đã xảy ra hiện tượng hàng loạt dự án bất động sản cao cấp ế hàng. Lượng hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp ở phân khúc này phải giảm giá bán, áp dụng nhiều phương thức khuyến mãi, chia nhỏ căn hộ, còn các chủ đầu tư đang triển khai dự án buộc phải điều chỉnh, đình hoãn hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư.

Theo báo cáo quý II/2012 của Công ty CBRE Việt Nam, tại TP.HCM, giá nhà cao cấp giảm 5,7%, giá căn hộ hạng sang giảm tới 8,3% so với quý I/2012. Còn tại Hà Nội, giá căn hộ hạng sang giảm tới 6,7% so với quý I/2012. Thực tế này cho thấy, chủ đầu tư căn hộ cao cấp đang có sự nhượng bộ về giá để giải phóng hàng.

Theo CBRE Việt Nam, các chủ đầu tư đang bước vào cuộc chạy đua bán hàng thông qua hàng loạt hình thức khuyến mãi, giảm giá, chiết khấu, tặng nội thất… nhằm thu hút khách hàng.

Nhiều dự án thuộc phân khúc cao cấp tại Hà Nội, như Golden Land, Indochina Plaza Hanoi, Golden Palace… đã phải đa dạng hóa các lựa chọn, đồng thời gia tăng khuyến mãi để thu hút khách hàng tiềm năng.

Áp lực thanh lý hàng tồn kho của bất động sản cao cấp lại càng lớn, khi nguồn cung vẫn có dấu hiệu tiếp tục tăng.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 12.000 căn hộ tham gia thị trường Hà Nội, trong đó, 6.000 căn hộ thuộc phân khúc trung và cao cấp. Dự báo, trong vòng 2 năm tới, phân khúc căn hộ cao cấp sẽ chiếm khoảng 48% nguồn cung.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, phân khúc căn hộ cao cấp hiện không còn yếu tố đầu cơ, người mua chủ yếu là khách hàng cuối cùng - những người mua nhà để ở. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, những người có đủ khả năng chi trả mua căn hộ cao cấp rất ít.

Rõ ràng, việc dự báo thị trường không chính xác, sử dụng các chiêu “bơm thổi” mà không căn cứ vào khả năng chi trả của khách hàng đã dẫn đến việc các căn hộ cao cấp ứ đọng. Các chiêu khuyên mãi, giảm giá… cũng không giúp các chủ đầu tư thanh lý lượng hàng tồn khổng lồ này. Vì vậy, việc giải quyết thanh khoản cho căn hộ cao cấp vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.