01/10/2017 9:02 AM
Nhìn vào chính sách lãi suất của các ngân hàng cũng có thể phần nào đánh giá được sức khỏe của mỗi ngân hàng.

Tiền gửi khách hàng tại Vietcombank và BIDV trong sáu tháng đầu năm đều tăng hơn 10%. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: UYÊN VIỄN

Phân hóa lãi suất

Trong khi nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp nhất thị trường kể từ cuối năm 2016 đến nay, thì một số NHTM cổ phần luôn phải chịu áp lực gia tăng lãi suất đầu vào.

Cụ thể, ở kỳ hạn dưới một tháng, nhóm bốn NHTM nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV duy trì lãi suất huy động ở mức 4,3-4,4% thì một số ngân hàng khác luôn tiệm cận ở mức trần từ 5,4-5,5%.

Đối với các kỳ hạn trên sáu tháng và trên 12 tháng, lãi suất tiền gửi của nhóm các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần như MBB, ACB, Lienvietpostbank hay VIB cũng thấp hơn hẳn, phổ biến tương ứng từ 5-6% và 6-7%, trong khi một số ngân hàng khác, bao gồm các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng có quy mô lớn khác niêm yết cao hơn từ 1-1,5%.

Không như giai đoạn trước, lãi suất của các ngân hàng gần như xấp xỉ nhau và có sự cạnh tranh quyết liệt, thời gian gần đây lãi suất của các ngân hàng đã có sự phân hóa rõ ràng. Theo đó, những ngân hàng lớn, thương hiệu tốt, mạng lưới rộng thường áp dụng khung lãi suất tiền gửi thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Dù vậy, tăng trưởng huy động vốn của nhóm ngân hàng này vẫn khá tốt. Cụ thể, tiền gửi khách hàng tại Vietcombank và BIDV trong sáu tháng đầu năm đều tăng hơn 10%.

Trong khi đó, nhóm các ngân hàng nhỏ do chịu bất lợi về thương hiệu cũng như mạng lưới nên buộc phải niêm yết lãi suất cao hơn mới mong thu hút được lượng tiền gửi từ khách hàng. Tuy nhiên, lượng tiền gửi tại các ngân hàng này lại thiếu sự bền vững so với các ngân hàng lớn. Do một số ngân hàng trong nhóm này vẫn đang gặp những khó khăn về tình hình tài chính nên niềm tin khách hàng không cao, lượng tiền gửi tại đây dễ dàng chạy qua những ngân khác mỗi khi có thông tin bất lợi về hoạt động của ngân hàng hoặc khi lãi suất tiền gửi của ngân hàng được điều chỉnh giảm xuống. Quy mô kinh doanh vốn đã nhỏ cộng với sự tăng trưởng chưa bền vững dẫn đến việc các ngân hàng này càng phải luôn duy trì mặt bằng lãi suất cao hơn so với thị trường.

Có thể thấy quá trình tái cấu trúc ngân hàng trong những năm qua đã tạo ra sự phân hóa ngày càng lớn giữa các ngân hàng. Niềm tin của khách hàng dành cho các ngân hàng đã có sự thay đổi khác nhau đáng kể, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho bất kỳ ngân hàng nào có vấn đề về thanh khoản. Đứng ở góc độ khách hàng, lãi suất không còn là tất cả khi quyết định gửi tiền như trước đây, mà sự an toàn, chất lượng phục vụ cũng như những dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ đi kèm sẽ quyết định đến lựa chọn của khách hàng.

Phân hóa rủi ro

Trở lại với nhóm ngân hàng lớn, không những đạt được sự tăng trưởng tiền gửi ổn định và bền vững mà nhóm này còn có một lượng tiền gửi thanh toán, tiền gửi ký quỹ khá lớn từ các khách hàng doanh nghiệp và tiền gửi trên tài khoản thẻ của khách hàng cá nhân. Cụ thể, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank thời điểm 30-6-2017 là 28%, của MBB là 25%, của BIDV là 17%, của VietinBank và ACB cũng xấp xỉ 15%.
Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay chỉ từ 0-0,2% thì ngân hàng nào có lượng tiền gửi thanh toán lớn sẽ tối ưu hóa đáng kể chi phí vốn đầu vào, từ đó tạo lợi thế giúp giá bán vốn đầu ra thấp hơn nhiều so với thị trường, thậm chí lãi suất cho vay tại các ngân hàng này còn thấp hơn lãi suất huy động đầu vào ở kỳ hạn dài của một số ngân hàng khác. Thực tế thời gian qua các ngân hàng này đã áp dụng khung lãi suất cho vay cả khách hàng doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân có tính cạnh tranh cực kỳ tốt so với mặt bằng chung của thị trường, do đó đã thu hút khách hàng vay vốn khá lớn và từ đó có điều kiện lựa chọn những khách hàng tốt đáp ứng đủ điều kiện vay chặt chẽ.

Ngược lại, nhóm ngân hàng buộc phải duy trì lãi suất tiền gửi cao thì phải cho vay với lãi suất cao để có thể đảm bảo biên độ sinh lời tối thiểu. Tuy nhiên, do lãi suất cho vay cao hơn bình quân nên các ngân hàng này thường chỉ có thể thu hút các khách hàng có chất lượng thấp hơn hoặc những khách hàng có nhu cầu vay cao nhưng không đáp ứng được điều kiện vay chặt chẽ tại những ngân hàng có lãi suất tốt.

Hệ quả là những khách hàng rủi ro cao hơn lại dồn về nhóm ngân hàng có chi phí đầu vào cao này - những ngân hàng vốn đã bị hạn chế về khả năng quản trị rủi ro và có kết quả kinh doanh kém tích cực trong thời gian qua. Điều đó càng làm cho hoạt động của nhóm ngân hàng này khó chồng khó, kết quả kinh doanh càng trở nên nhạy cảm trước biến động của nền kinh tế, vì một khi khách hàng có vấn đề thì nợ xấu sẽ gia tăng và ngân hàng phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng và xử lý nợ.

NHNN gần đây đã công bố dự thảo thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, theo đó NHNN sẽ trực tiếp xếp loại các ngân hàng vào hạng A (tốt), hạng B (khá), hạng C (trung bình), hạng D (yếu) hoặc hạng E (yếu kém) căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được. NHNN cho biết việc công bố kết quả xếp hạng trên trang web của NHNN sẽ chưa được thực hiện do tính chất nhạy cảm của việc công bố. Tuy nhiên, thật ra nhìn vào chính sách lãi suất của các ngân hàng cũng có thể phần nào đánh giá được sức khỏe của mỗi ngân hàng.

Niềm tin của khách hàng dành cho các ngân hàng đã có sự thay đổi khác nhau đáng kể, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho bất kỳ ngân hàng nào có vấn đề về thanh khoản. Đứng ở góc độ khách hàng, lãi suất không còn là tất cả khi quyết định gửi tiền như trước đây.
Thụy Lê (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.