17/09/2012 7:54 AM
Đó là ý kiến của GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

* Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được người dân trông đợi sẽ có đột phá nhiều mặt để tạo điều kiện “giải phóng” nguồn lực đất đai và giải được bài toán ùn tắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang diễn ra khắp nơi. Theo ông, mục tiêu kép này có được giải quyết trong dự luật?

- Ông Đặng Hùng Võ: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra được nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Tuy nhiên, để nói rằng có đạt kỳ vọng của nhân dân, doanh nghiệp cũng như chính Nhà nước hay không thì tôi cho là chưa đủ.

Hiện nay, một bất cập trong vấn đề đất đai là cơ chế Nhà nước thu hồi đất và cơ chế thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn quy định tương tự như Luật Đất đai 2003. Dự luật nêu rõ việc khuyến khích áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, trong khi cơ chế này đang gây tranh cãi. Thực tế, căn cứ vào quy hoạch, một số địa phương đã tiến hành thu hồi đất nhưng sau đó lại để hoang hóa, gây bất bình trong nhân dân. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải sửa lại cơ chế Nhà nước thu hồi đất.

*Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên sửa theo hướng nào, thưa ông?

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải sửa theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Hơn nữa, do bảng giá đất của Nhà nước rất thấp nên phải thu hẹp phạm vi áp dụng. Có 4 trường hợp không nên cho phép áp dụng bảng giá của Nhà nước mà phải định giá theo giá thị trường, gồm: Nhà nước giao đất, Nhà nước cho thuê đất, Nhà nước thu hồi đất và cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế Nhà nước thu hồi đất phải được đổi mới triệt để nhằm tránh gây thiệt hại, bức xúc cho những người bị thu hồi đất; loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng và làm lành mạnh hóa quá trình đầu tư phát triển, ngăn chặn triệt để các dự án treo.
Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa ngăn chặn được đất “vàng” để hoang hóa. Trong ảnh: Khu đất “vàng” bỏ hoang của Vietcombank ở Hà Nội. Ảnh: Thế Dũng

* Vấn đề mấu chốt vẫn là khung giá đất?

- Đúng vậy. Giá đất luôn đóng vai trò quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Đặc biệt, giá đất luôn gắn với nguy cơ tham nhũng và là nguồn gốc dẫn đến khiếu kiện của người dân. Mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi “giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” nhưng xem ra cả khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh, thành đều khó bằng với giá đất trên thị trường, thậm chí là thấp hơn nhiều. Vì thế, phải sửa triệt để mới ngăn chặn được tình trạng tham nhũng trong đất đai.

Theo tôi, không nên giao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh mà phải có một hệ thống định giá độc lập. Nếu để một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền quyết định về đất đai vừa có quyền quyết định về giá đất thì sẽ xảy ra nguy cơ tham nhũng.

Cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Từ ngày 17 đến 19-9, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục bàn về nhiều nội dung quan trọng.

Đặc biệt, hôm nay (17-9), Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 18-9, Ủy ban TVQH sẽ nghe và cho ý kiến đối với báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai. Trong phiên họp này, Ủy ban TVQH cũng thảo luận về dự thảo Luật Phòng, Chống tham nhũng (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012; báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí năm 2012...

T.Dũng

Theo Bảo Trân (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.