Mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc giao đất cho các dự án tâm linh rộng hàng nghìn ha tại Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên…
Văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu nhiều điểm không rõ ràng trong mục đích giao đất cho các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam).
Việc không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai khiến cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.
Vấn đề giao hàng nghìn ha đất cho các dự án tâm linh cũng từng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trước nghị trường.
Là người từng đặt câu hỏi liệu có hay không sự nhập nhằng giữa công và tư, tín ngưỡng và thương mại trong các dự án du lịch - tâm linh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất Quốc hội cần có đoàn giám sát tối cao vấn đề đất đai tại các dự án tâm linh lớn trên cả nước.
Trao đổi với Zing.vn vào sáng 21/8, Đại biểu Nghĩa cho rằng cần có sự phân biệt minh bạch giữa việc cấp đất cho các dự án du lịch và dự án tâm linh, bởi về pháp lý, đây là hai hành vi có mục đích, tính chất khác nhau, dù có thể ở cạnh nhau.
Ông nhấn mạnh đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, ngày càng hiếm, do đó cần được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả tối ưu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hà
Vị đại biểu TP.HCM cho rằng tín ngưỡng là một nhu cầu văn hóa, tinh thần mang tính truyền thống và lịch sử của nhiều người dân và các cộng đồng dân cư cần được tôn trọng và quan tâm thỏa đáng. Vì vậy, các dự án tâm linh phải nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đa số người dân một cách vô vụ lợi.
Ông nhấn mạnh phải ngăn chặn các hành vi lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng để đầu cơ đất đai, trục lợi bất chính, mà nhân dân ta gọi là “buôn thần, bán thánh”.
Theo ông Nghĩa, những dự án tâm linh rộng hàng nghìn ha hiện nay đều sử dụng nguồn tài nguyên đất đai quý giá, hữu hạn. Một số địa điểm nằm ở khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Quá trình triển khai một số dự án làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, di tích lịch sử, văn hóa….
“Quốc hội từng giám sát tối cao đất đai ở các đô thị lớn, thì cũng cần giám sát tối cao tại các dự án tâm linh gắn với du lịch”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng hiện tại đang có nhiều luồng dư luận nói về sự bất cập trong việc cấp phép các dự án tâm linh gắn với du lịch, tuy nhiên chưa kết luận rõ trách nhiệm, đúng sai thuộc về cơ quan nào.
“Do đó, việc Quốc hội lập đoàn giám sát tối cao về vấn đề này sẽ có kết luận cụ thể”, ông nhấn mạnh.
Một dự án tâm linh ở Hà Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Tại kỳ họp thứ 7, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng nhiều khu du lịch tâm linh, chùa chiền rộng vài trăm ha, thậm chí là vài nghìn ha.
"Có sự nhập nhằng giữa công và tư hay không? Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước bỏ ra chục nghìn ha đất đai. Thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây. Nhưng sau đó lại thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân?", ông đặt câu hỏi.
Khi đó, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận hiện pháp luật chưa xác định cụ thể rõ loại hình công trình tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị. Do đó, các địa phương vận dụng cũng còn chưa thống nhất. Do đó, tới đây Bộ Xây dựng cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Trong văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết việc giao gần 500 ha đất tại dự án tâm linh chùa Bái Đình chưa rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất).
Trong khi đó, việc giao 1.200 ha đất tại dự án Tam chưa rõ ràng về nội dung. Cơ quan chức năng giao đất đã không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật Đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.