27/04/2022 9:21 AM
Những vụ cháy xảy ra liên tiếp thời gian gần đây gây thiệt hại về người và tài sản ở các khu dân cư đang đặt ra thách thức về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay.

Từ đầu năm đến nay liên tục xảy ra nhiều vụ cháy tại các khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hình minh họa

Liên tục xảy ra vụ cháy lớn

Mới đây nhất là đám cháy lớn bốc lên từ căn nhà trong hẻm 243 đường Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10, TP.HCM vào 8h30 sáng 22/4. Vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người nhưng khiến nhiều tài sản trong căn nhà bị thiêu rụi.

Cách đó một ngày là vụ cháy nhà ở Đống Đa, Hà Nội vào rạng sáng ngày 21/4 khiến 5 người tử vong. Ngôi nhà bị cháy được xây theo lối giật cấp, tầng một mặt sàn 33m2, tầng hai 20m2 và tầng ba 10m2. Lửa xuất phát từ tầng một, sau đó lan lên các tầng.

Tối 19/4, đám cháy bùng phát tại xưởng gỗ nằm trong khu dân cư trên quốc lộ 1, quận 12, TP.HCM khiến 500m2 xưởng gỗ bị cháy rụi, đổ sập. Rạng sáng cùng ngày, tiệm bán tạp hóa số 124, đường Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình phát hỏa, hai người mắc kẹt bên trong được giải cứu.

Trước đó, một vụ hỏa hoạn đã bất ngờ xảy ra vào rạng sáng 30/3 tại một căn nhà ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM đã khiến 6 người trong cùng 1 gia đình thiệt mạng, chỉ 1 người may mắn thoát chết. Nơi xảy ra vụ cháy là một căn nhà cấp 4, rộng 60m2. Căn nhà lại xây bịt kín chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất, lại bị chặn bởi 5 chiếc xe máy nên lực lượng chức năng buộc phải đục nhiều lỗ trên tường mới tiếp cận và khống chế được đám cháy.

Đầu tháng 2/2021, 4 thanh niên thiệt mạng trong vụ cháy tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi nhà nơi xảy ra vụ cháy là căn nhà cấp 4, chỉ có 1 lối thoát, thường hay để nhiều hàng hóa trong nhà nên dễ bắt lửa.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, tính chung trong quý 1/2022, cả nước có 443 vụ cháy làm 21 người tử vong, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 57,9 tỉ đồng. Trong đó có 173 vụ cháy nhà dân, 36 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, 9 vụ cháy chung cư,...

Trong quý xảy ra 9 vụ cháy lớn, tập trung chủ yếu tại các địa phương có tốc độ kinh tế và xã hội phát triển, có nhiều khu công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh (TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai).

Các vụ cháy có nguyên nhân khác nhau, đều có tính chất nguy hiểm, xảy ra ở loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hoặc sản xuất kinh doanh xen cài trong khu dân cư, khiến cho công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay tại nhiều chung cư cũ, khu dân cư đang có tình trạng nhiều hộ dân cơi nới thêm chỗ ở. Những khung sắt được gắn chắc chắn vào tường nhà, cơi nới tăng diện tích sinh nhưng lại bịt lối thoát hiểm.

Do đó, khi cháy, người trong căn hộ khó thoát ra, còn lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để tiếp cận được vào trong nhà cứu các nạn nhân đang mắc kẹt.

Ngay sau vụ cháy làm 5 người chết tại Đống Đa, Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện.

Tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, nhất là các khu nhà cao tầng, hộ gia đình, khu vực có đông dân cư sinh sống, khu công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn PCCC theo quy định.

Quy định về PCCC khu dân cư

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết các biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, các điều khoản quy định rõ ràng về điều kiện an toàn PCCC đối với các khu dân cư, hộ gia đình.

Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Về trách nhiệm kiểm tra về an toàn PCCC, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp vi phạm; Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự phạm vi quản lý của mình.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.