Ông Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group. Ảnh: Nikkei Asia.
Đằng sau "đế chế" Charoen Pokphand (C.P Group) - tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan và là một trong những "gã khổng lồ" toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ - là gia tộc Chearavanont, hiện nắm giữ khối tài sản lớn nhất Đông Nam Á.
Theo Bloomberg Billionaires Index, gia tộc Chearavanont hiện sở hữu khối tài sản trị giá 42,6 tỷ USD, đứng thứ 2 châu Á chỉ sau gia tộc Ambani (Ấn Độ). Riêng ông Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao C.P Group - được Tạp chí Forbes định giá tài sản cá nhân lên tới 15,2 tỷ USD trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2025.
Khởi nguồn của C.P Group bắt đầu từ năm 1921, khi ông Chia Ek Chor - cha của ông Dhanin - rời quê nhà ở miền Nam Trung Quốc sau một trận bão lớn để sang Thái Lan lập nghiệp với nghề bán hạt giống rau. Từ một cửa hàng nhỏ tại Bangkok, C.P Group đã vươn mình trở thành biểu tượng thành công của doanh nghiệp tư nhân châu Á.
Sau khi tiếp quản tập đoàn vào năm 1969, Chủ tịch Dhanin Chearavanont đã đưa C.P Group bứt phá khỏi gốc gác nông nghiệp, mở rộng sang nhiều ngành nghề khác. Ngày nay, C.P Group cung cấp cho người tiêu dùng gần như mọi thứ, từ bảo hiểm, thực phẩm, ôtô đến công nghệ điện toán đám mây và bất động sản.
Hiện C.P Group có 3 trụ cột chính. Mảng nông nghiệp C.P Foods hoạt động tại 17 thị trường nước ngoài, xuất khẩu sản phẩm đến hơn 30 nước và hiện là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những công ty chế biến gia cầm, thịt heo và tôm lớn nhất thế giới.
C.P All là công ty đang vận hành hơn 15.000 cửa hàng 7-Eleven ở Thái Lan tính đến năm 2025, theo Bangkok Post. Và True Corp là nhà mạng lớn thứ hai ở Thái Lan.
Theo truyền thông Thái Lan, mỗi năm, C.P Group ghi nhận doanh thu hợp nhất lên tới 39,4 tỷ USD.
Với tầm nhìn chiến lược, C.P Group là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Thâm Quyến - đặc khu kinh tế tiên phong của Trung Quốc và nhận được mã đăng ký đầu tư “0001”, theo Bloomberg.
Mối quan hệ sâu rộng với Bắc Kinh giúp tập đoàn này giữ vai trò trung tâm trong dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan - sáng kiến nằm trong khuôn khổ Vành đai và Con đường do Trung Quốc thúc đẩy.
Thông qua EEC, C.P Group đóng vai trò "cầu nối" thu hút dòng vốn lớn từ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Huawei vào Thái Lan.
Bên cạnh đó, C.P Group còn đầu tư trong công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An, với giá trị đã tăng gấp nhiều lần kể từ khi tập đoàn mua số cổ phần này với giá 9,4 tỷ USD vào năm 2012.
“C.P Group giờ đây không chỉ là một tập đoàn đa ngành tại Thái Lan mà còn là một thế lực lớn tại Trung Quốc”, Giáo sư William Kirby của Trường Kinh doanh Harvard, một người nghiên cứu về C.P Group chia sẻ.
Từ năm 2017, hai người con trai của ông Dhanin đã lần lượt tiếp quản vị trí CEO và Chủ tịch tập đoàn. Từ đó, thế hệ thứ ba của gia tộc Chearavanont bắt đầu ghi dấu ấn với các dự án công nghệ mới.
Tiêu biểu là Korawad Chearavanont - cháu trai ông Dhanin - người sáng lập startup công nghệ Amity Corp, chuyên cung cấp chatbot và giải pháp AI cho doanh nghiệp. Công ty này đã huy động thành công 60 triệu USD trong vòng gọi vốn do Insight Partners dẫn đầu, với khách hàng chủ lực là các công ty con của chính C.P Group.
Tại Việt Nam, C.P Group cũng đã hiện diện từ sớm thông qua pháp nhân C.P Việt Nam. Công ty này hiện là doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất tại thị trường Việt Nam chuyên về các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thịt heo, gia cầm, thủy sản…
Theo số liệu từ công ty mẹ C.P Foods tại Thái Lan, doanh thu năm ngoái của C.P Việt Nam đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, cao kỷ lục từ trước đến nay. Các năm trước đó, doanh thu của C.P Việt Nam dao động quanh ngưỡng 80.000 tỷ đồng/năm.
-
Sắp khởi công 6 tòa nhà ở xã hội tại Sóc Trăng
Dự kiến dịp 2/9 tới đây, Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam sẽ khởi công dự án nhà ở ở thuộc Khu thiết chế Công đoàn, tại Khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
-
Sóc Trăng sắp khánh thành đường trục kinh tế Đông Tây 2.000 tỷ đồng
Theo kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây dài hơn 56,6km, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng sẽ khánh thành vào dịp 2/9 tới đây.
-
Tỉnh Sóc Trăng có nguồn tài nguyên khoáng sản cát biển dồi dào, dự kiến ban đầu khai thác khoảng 150 triệu m3 phục vụ san lấp cho các công trình trọng điểm và hạ tầng cảng biển Trần Đề. Tình này đã quy hoạch 4.000ha, trong đó có 1.000ha làm khu dịch vụ hậu cần, logistics và 3.000ha làm khu công nghiệp - dịch vụ hậu cần, logistics.
-
Chỉ đạo mới của lãnh đạo tỉnh An Giang về dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Bí thư Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo Ban Quản lý dự án tỉnh An Giang đôn đốc các nhà thầu tăng cường máy móc, phương tiện khai thác để tổ chức thi công nhằm bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng dự án, đưa dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành trước ngày 30/6/2026.







